Thị trường Tết Giáp Ngọ: Hàng Việt tiếp tục chiếm ưu thế

Cập nhật ngày: 04/12/2013 05:36:41

Các doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến mẫu mã, chất lượng và cam kết bình ổn giá nhằm tạo sức hút hơn đối với người tiêu dùng.

Dù hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu nhằm ổn định thị trường và kiểm soát giá cả.

Thị trường Tết năm nay, hàng Việt tiếp tục chiếm ưu thế vì các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nỗ lực cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và cam kết bình ổn giá nhằm tạo sức hút hơn đối với người tiêu dùng.

Tại Hà Nội, theo dự báo nhu cầu tiêu dùng dịp tết năm nay sẽ tăng từ 5-10%, trong đó thành phố đáp ứng được 60% nhu cầu. Ngay từ đầu tháng 10, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Giáp Ngọ. Trong đó, hàng tiêu dùng Việt Nam chiếm ưu thế. Có được kết quả này là do các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nỗ lực đẩy mạnh đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.


Người dân đẩy mạnh mua sắm dịp cuối năm.

Ông Phan Văn Thiện, Phó Giám đốc Công ty CP bánh kẹo Bibica cho biết, năm nay Bibica sẽ đưa ra thị trường khoảng 1250 tấn bánh kẹo phục vụ người dân. Công ty cũng đẩy mạnh dòng sản phẩm bánh cao cấp, tăng thêm khoảng 30% sản lượng nhưng giá sẽ thấp hơn khoảng 20% so với hàng ngoại để tăng sức cạnh tranh.

Đồng thời, trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, công ty nỗ lực bình ổn giá hàng hóa, tùy mỗi loại giá nguyên vật liệu đầu vào mà công ty điều chỉnh giá cho phù hợp, nhưng sẽ tăng không quá 5%.

“Hiện giờ Bibica đã chuẩn bị cho mùa hàng tết này khá chu đáo. Trước tết khoảng 6 tháng, Bibica cũng đã ký kết các hợp đồng để chốt khẳng định được giá đầu vào và tổ chức sản xuất từ đầu tháng 10 nhằm phục vụ cung ứng cho thời vụ cao điểm trong dịp Tết. Vệ sinh an toàn thực phẩm được Bibica đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã sử dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO từ nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đề ra nên đảm bảo chất lượng ổn định”, ông Thiện cho biết thêm.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội đều hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Tại các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Metro... đều đã có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tăng gấp 2-3 lần so với tháng thường và cam kết đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hàng hay tăng giá đột biến.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ siêu thị BigC cho biết, từ nay đến tết Nguyên Đán, BigC liên tục áp dụng các chương trình khuyến mại theo chủ đề cho gần 4.000 mặt hàng đưa vào giảm giá khuyến mại với mức giảm lên tới 50%, trong số này tập trung đến 90% sản phẩm là hàng Việt phục vụ tết. Đặc biệt BigC sẽ tổ chức 8-10 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ bà con.

“Có thể nói hàng Việt đang có sự trỗi dậy và khẳng định được vị thế trên thị trường. Thực tế những mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết đều đã có thương hiệu Việt, tập trung chủ yếu những gian hàng như bánh kẹo, bánh chưng, giò chả, thực phẩm tươi sống chiếm hơn 90 % là các nhà sản xuất Việt Nam”, ông Nguyễn Thái Dũng nói.

Hệ thống siêu thị trong nước cũng đã có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng phân phối vào dịp Tết. Nhiều siêu thị dự kiến tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá nhiều mặt hàng vào những ngày cận Tết như Saigon Co.op chuẩn bị 46.000 tấn hàng hóa bình ổn trị giá khoảng 3.900 tỷ đồng để phục vụ Tết năm nay. Đơn vị này sẽ tổ chức thực hiện khoảng 150 chuyến bán hàng lưu động với giá trị hàng hóa khoảng 20 tỷ đồng.

Bà Vũ Phương Thanh, Phó phòng kinh doanh siêu thị Intimex cho biết, mùa Tết năm nay, siêu thị cũng đã dự trữ lượng hàng tăng khoảng 20%, chủ yếu ưu tiên hàng việt và đảm bảo không để thiếu hàng.

“Intimex đã có kế hoạch dự trữ hàng tết từ bây giờ. Những hàng thực phẩm khô đã được đặt mua và dự trữ về tổng kho để tránh thời điểm 10 ngày giáp tết họ tăng giá. Vì vậy, không có hiện tượng tăng giá như mọi năm, nếu tăng cũng chỉ từ 5-7%. Những mặt hàng tươi sống sẽ tăng giá nhưng không tăng giá quá đột biến vì tình hình khó khăn chung”, bà Vũ Phương Thanh cho biết.

Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm dịp cuối năm, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đảm bảo cân đối cung cầu.

Đặc biệt, Hà Nội và TP HCM đã xây dựng kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và kiểm tra, quản lý giá cả hàng hóa trong dịp Tết.

Hy vọng với những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp sản xuất trong nước, người dân có cơ hội tiếp cận hàng hóa Việt Nam chất lượng tốt với giá thành phù hợp với thu nhập, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa./.

Hải Yến/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn