Thông tin chính thức về bệnh nhân tử vong do “amip ăn não người”
Cập nhật ngày: 01/09/2012 08:39:28
Chiều 31/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ra thông báo chính thức về trường hợp bệnh nhân 24 tuổi bị tử vong với chẩn đoán lâm sàng viêm não – màng não mà theo các tin tức đã đưa là do “amip ăn não người”.
Để phòng bệnh amip ăn não người, khi tắm ở bơi bể bơi
người dân cần hạn chế nước vào mũi. (Ảnh: TTXVN)
Thông báo nêu rõ, ngày 30/7/2012, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam, 24 tuổi, với chẩn đoán lâm sàng viêm não – màng não, xét nghiệm dương tính đơn bào Naegleria fowleri, bệnh nhân đã tử vong sau đó 1 ngày.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết ký sinh trùng nguy hiểm gây nên bệnh viêm não – màng não và gây tử vong cho bệnh nhân 24 tuổi nói trên là loài vi sinh vật đơn bào có tên khoa học là Naegleria fowleri, có hình dáng, đặc tính khá giống với amip nên nhiều người gọi là amip nhưng không phải là amip thực sự.
Ông Bình cũng cho biết thêm bệnh viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng là một bệnh rất hiếm gặp và có thể phòng tránh được.
Trong vòng 49 năm (1962 - 2011), Mỹ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm, với số mắc trung bình từ 0 – 8 trường hợp trong 1 năm.
Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên ghi nhận trường hợp viêm não – màng não do Naegleria fowleri.
Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ 460C .
Đơn bào Naegleria fowleri có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh viêm não – màng não.
Để phòng, chống nhiễm đơn bào Naegleria fowleri, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Trong khi tắm, bơi bể bơi, hồ, ao, suối hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi; khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
VGP News