Trợ lực cho liên kết sản xuất nông sản

Cập nhật ngày: 14/09/2013 10:22:05

Câu chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là vấn đề thời sự đặt ra hiện nay. Trong đó, ĐBSCL vựa lúa, vựa thủy sản và vựa trái cây của cả nước đang cần một chiến lược thay đổi căn cơ. Các nhà khoa học và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều nhấn mạnh đến yếu tố then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong vùng là tổ chức lại sản xuất, khắc phục những yếu kém trầm kha của việc sản xuất nhỏ, manh mún tồn tại nhiều năm qua. Trong bối cảnh đó, các hình thái liên kết sản xuất hàng hóa tập trung như tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) được đề cập đến khá nhiều.

Ai cũng biết mô hình sản xuất theo nông hộ đã phát huy hiệu quả một thời gian dài nhưng bối cảnh hàng nông sản gặp khó khăn và thực tế đặt ra đã đến lúc phải liên kết và thay đổi dần tập quán sản xuất theo kiểu “tự cung, tự cấp” sang sản xuất theo thị trường. Tuy nhiên, nói đến mô hình HTX, trước tiên cần phải thay đổi tư duy nhận thức. “Nhiều đại biểu Quốc hội vẫn ngán ngại khi đề cập đến HTX” - một lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhìn nhận. Cái “vướng” hiện nay là nhiều người vẫn nghĩ đến HTX kiểu “cũ”, vấn đề thay đổi tư duy nhìn nhận cho đúng HTX nông nghiệp hoạt động theo kiểu “mới” hiện nay là khá bức xúc.

Gần đây, Bộ KH-ĐT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đang triển khai đề án “Khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động mô hình kinh tế hợp tác, HTX”. Qua đó, xây dựng thí điểm mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL. Theo Bộ KH-ĐT, cả nước có khoảng 14.000 HTX, tạo việc làm cho khoảng 250.000 lao động, góp phần không nhỏ vào ổn định kinh tế - xã hội. ĐBSCL là nơi kinh tế cá thể rất phát triển, đặc biệt đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh về lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn còn nghèo, thu nhập không ổn định do nhiều nguyên nhân: chưa có nguồn giống chất lượng, ổn định… “Nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ gia đình, đơn vị kinh tế tư nhân tự ai nấy làm, chưa có liên kết, hợp tác với nhau hoặc chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân cách làm ăn, phù hợp, hiệu quả” - ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhận định.

Nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã nhấn mạnh đến sự cần thiết quán triệt Luật HTX và nhanh chóng tổ chức lại các HTX. Trong đó, khâu điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về tình hình hoạt động của mô hình HTX, tổ hợp tác ở ĐBSCL rất quan trọng. Đây là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất khu vực kinh tế tập thể tại ĐBSCL, đặc biệt là HTX nông nghiệp; qua đó giúp cải thiện đời sống vật chất, nâng cao tinh thần hợp tác ở các địa phương.

Thực tế, nhiều HTX nông nghiệp sản xuất lúa giống, cây ăn trái, thủy sản ở ĐBSCL đã hoạt động hiệu quả, trụ vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng cũng không ít HTX nông nghiệp ở Vĩnh Long, Tiền Giang… phải rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì sản xuất theo các tiêu chuẩn Global GAP. Đây có thể là hệ lụy của việc “phát triển nóng”, thiếu thực tiễn nên nhiều HTX phải rơi vào cảnh khó khăn: không có tiền đóng đảo hạn cho giấy chứng nhận Global GAP. Trong tương lai, xu hướng các HTX liên kết hình thành các liên minh cấp khu vực để cung cấp đầu vào, đầu ra nông sản, giảm tối đa các khâu trung gian không cần thiết. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là tổ chức xây dựng được một số mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình, giúp nông dân đoàn kết, hợp tác với nhau cùng phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nông dân. Được biết, Bộ KH-ĐT đang cố gắng xây dựng 3 mô hình HTX trong lĩnh vực trồng lúa, nuôi cá tra và trồng cây ăn trái là 3 thế mạnh chủ lực của ĐBSCL. Dư luận cho rằng, những HTX “điểm” này phải “gần gũi” và có thể nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp trong vùng. Sự trợ lực, tìm mô hình hiệu quả cho HTX sản xuất nông nghiệp hiện nay rất cấp bách. Nhưng sự trợ lực, xây dựng HTX “điểm” phải trên nền cơ sở bền vững và có thể nhân rộng mô hình.

CAO PHONG/SGGP



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn