TS Trần Du Lịch: Nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập”
Cập nhật ngày: 19/10/2013 05:39:16
Trong ngắn hạn cần tập trung giải quyết nợ xấu để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn.
Nhận định về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Trần Du Lịch- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, 9 tháng đầu năm 2013, kinh tế tăng trưởng chậm (GDP tăng hơn 5%), dự báo cả năm 2013 sẽ tăng khoảng 5,3% và CPI khoảng 6-7%.
“Điểm tích cực nổi bật mà chúng ta đạt được trong năm nay là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, tỉ giá và dự trữ ngoại hối ổn định, đặc biệt, hệ thống ngân hàng thanh khoản được giải quyết tương đối. Không còn chạy đua lãi suất huy động”- TS Lịch nói.
Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Trần Du Lịch
Tuy nhiên để giữ được sự ổn định này theo Tiến sĩ Lịch “nền kinh tế cũng phải trả giá. Nhiều doanh nghiệp đã chết hoặc ngưng hoạt động. Đặc biệt, nợ xấu ngày càng lớn… Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ, kéo dài từ mấy năm trước”.
Bên cạnh đó, nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm. Mặc dù CPI 9 tháng đầu năm 2013 cũng chỉ tăng 4,63% so với tháng 12/2012, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập”. Nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến tình hình, nguy cơ tái lạm phát sẽ tăng cao trong những năm sau.
Ngoài ra, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn.Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện có nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất 5-5,8%/năm nhưng cũng có doanh nghiệp cho biết, “15% cũng không thể vay được”. Đây là điểm nghẽn của hệ thống ngân hàng mà theo TS Trần Du lịch là do thị trường giảm, những người được vay với lãi suất 5-7% thì không biết vay làm gì, còn người chấp nhận vay với lãi suất 14 - 15% thì ngân hàng không dám cho vì sợ tăng nợ xấu.
Nghịch lý này còn kéo dài trong thời gian tới. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ phải ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Mục tiêu của ngân hàng nhà nước là đến 2015, nợ xấu toàn hệ thống sẽ dưới 3%.
Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, thời gian tới, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều; khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đổng để hỗ trợ thị trường bất động sản cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể.
Khó khăn ngân sách
Những khó khăn trên kéo theo một nguy cơ mới gây bất ổn kinh tế vĩ mô trong năm 2013 là thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. (Riêng trên địa bàn TP HCM trong quý 3 chỉ có 30% doanh nghiệp có lãi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn lại 70% không đủ điều kiện đóng thuế thu nhập doanh nghiệp).
Trong khi đó, chi công không thể giảm và trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 và 2015. Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới, vấn đề này sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
“Tôi cho rằng ngân sách sẽ tiếp tục khó khăn trong 1- 2 năm tới khi doanh nghiệp và nền kinh tế chưa phục hồi mạnh và một loạt chính sách miễn giảm thuế phải kéo dài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải hướng tới thay đổi phân bổ ngân sách. Các quỹ phải minh bạch và phải tính toán huy động hết nguồn lực nhà nước. Hiện còn một số nguồn lực chưa huy động là thoái vốn một số ngành mà nhà nước không cần đầu tư. Vấn đề này có nhiều ý kiến kêu khó, tôi cho rằng không hề khó. Muốn huy động được nguồn lực này cho ngân sách, phải dứt khoát làm, thoái bán những mảng miếng đang hiệu quả, chắc chắn sẽ có người mua ngay”- TS Lịch đề xuất.
Năm 2014, chưa thể thoát khỏi trì trệ
Nhận định về tình hình kinh tế 2014, TS Trần Du Lịch cho rằng: “Năm 2014, nền kinh tế vẫn chưa thể thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn trong năm 2013 vẫn tiếp tục kéo dài. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn. Khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013 nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế”.
Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012- 2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%.
Nhiệm vụ chính trong năm 2014 – 2015 theo TS Trần Du lịch vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời là phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung-dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lãnh vực ưu tiên, theo tinh thần NQ TW 3 (khoá XI). Trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp Nhà nước là quan trọng nhất để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường.
“Trong 3 chính sách đang tác động rất lớn đến ngành kinh tế, một là chính sách tiền tệ, 2 là tài khóa, 3 là chính sách thị trường hóa các loại dịch vụ hàng hóa công mà Chính phủ đang kiểm soát giá. Đây là 3 vấn đề gắn chặt với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tôi đã đề xuất, lấy mục tiêu lạm phát 7% mỗi năm trong 3 năm tới để ổn định nền kinh tế. Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội tăng dự chi lên để kích cầu. Khi cầu tăng cao thì đầu tư công phải giảm lại để không xảy ra tình trạng lạm phát. Về các loại hàng hóa công cũng phải điều chỉnh giá và gắn với việc tính toán chỉ số lạm phát”- TS Lịch nói.
Trong ngắn hạn, TS Trần Du Lịch kiến nghị tập trung giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn. Trong đó phải xử lý nợ xây dựng cơ bản mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp. Bởi phần nợ xây dựng cơ bản này đối với doanh nghiệp đang tạo phản ứng dây truyền: Doanh nghiệp nợ ngân hàng, ngân hàng tăng nợ xấu, nợ xấu không vay được, không vay được không có tiền làm công trình…
Cơ hội tái cơ cấu
Với những nỗ lực để kiềm chế lạm phát, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ ngay từ ngày 7/1/2013 và những giải pháp hỗ trợ thị trường đã mang lại những kết quả khả quan. Thị trường đang dần lấy lại niềm tin và đây là cơ hội mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới.
“Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp không nên có tư tưởng “tăng trưởng nhanh, lãi nhiều” mà chuyển sang “lãi ít, nhưng tăng trưởng chắc”. Tôi mong rằng các ngân hàng cổ phần đừng đưa ra lãi tức cao để PR cho ngân hàng mình vì đây là giai đoạn phải tiến chắc”- TS Lịch bày tỏ.
Thời gian tới, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái hoạ đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy; chứ không chỉ có họa.
Với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo Đề án của Chính phủ đến năm 2020, doanh nghiệp có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình.
“Chắc chắn trong các năm 2014-2015 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tôi cho rằng đây là vấn đề cốt lõi”- TS Lịch nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch một lần nữa nhấn mạnh, phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế với mục tiêu lớn nhất của chúng ta là nền kinh tế phải tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để từ giai đoạn 2016-2020 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng từ 7- 8% mỗi năm thì mới có thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và có tiền đề vật chất nâng cao phúc lợi xã hội./.
Đặng Khanh/VOV