Ứng phó với hạn, mặn
Cập nhật ngày: 01/04/2014 05:29:17
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô, tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL diễn ra gay gắt. Đặc biệt năm nay, theo số liệu đo đạc của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn trên các sông trong khu vực bất ngờ tăng cao.
Chỉ số nhiễm mặn tại các trạm khí tượng đều vượt mức trung bình năm 2013. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nơi lên đến 75km. Cùng với nắng nóng gay gắt, người dân nhiều tỉnh ĐBSCL còn đang phải hứng chịu cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất.
Ảnh minh họa
Vụ lúa đông xuân 2013 - 2014, ĐBSCL gieo sạ hơn 1,6 triệu ha. Trong đó, có khoảng 100.000ha/650.000ha ở các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre, có nguy cơ bị mặn xâm nhập và thiếu nước tưới. Vụ hè thu 2014, toàn vùng dự kiến gieo sạ trên 1,7 triệu ha. Khô hạn và mặn xâm nhập sâu sẽ làm 600.000 - 700.000ha lúa hè thu xuống giống có khả năng thiếu nước tưới, còi cọc. Tình hình khô hạn cũng làm hàng chục ngàn hécta rừng ở ĐBSCL có nguy cơ cháy cao. Hơn thế, nước mặn xâm nhập sâu còn làm ảnh hưởng đến những vùng sản xuất cây ăn trái và rau màu. Người dân thiếu nước ngọt, phải mua nước với giá cao, vất vả và bất tiện trong sinh hoạt.
Bình thường, nước sinh hoạt tốt nhất chỉ ở mức (độ mặn) 0,25‰, nếu ở mức 1‰ trở lên thì không dùng được. Đặc biệt độ mặn chỉ cần lên tới 4‰ thì lúa chết, nhưng thực tế nhiều nơi độ mặn đã vượt quá mức cho phép gần chục lần.
Để bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân, chủ động ứng phó với hạn, mặn vào mùa khô, nhất là tình trạng thất thường về thời tiết do biến đổi khí hậu, thời gian qua, vùng ĐBSCL đã đầu tư khá nhiều các công trình thủy lợi, đê điều như hệ thống ngọt hóa bán đảo Cà Mau, ngọt hóa Quản Lộ - Phụng Hiệp, ngọt hóa Gò Công, ngọt hóa Bắc Bến Tre; hệ thống đê biển Đông và đê biển Tây; hệ thống cống đập ngăn mặn, giữ ngọt vùng tứ giác Long Xuyên… Đa phần các công trình này đều phát huy hiệu quả, điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn vốn lớn, đầu tư chưa hoàn chỉnh nên không ít công trình chỉ phát huy hiệu quả… một nửa hoặc vô hiệu hóa do chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm. Trong đó, dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre do thiếu công trình đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa, sông Bến Tre; hệ thống cống ngăn mặn dọc sông Hàm Luông nên nước mặn từ sông Cửa Đại theo sông Giao Hòa chảy vào sông Ba Lai làm dòng sông này nhiễm mặn. Phía Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng do chuyển đổi sang nuôi tôm nên dự án ngọt hóa bán đảo Cà Mau và Quản Lộ - Phụng Hiệp dần mất tác dụng. Tại Hậu Giang, nước mặn theo sông Cái Lớn vào Long Mỹ, uy hiếp cả TP Vị Thanh do địa phương này chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Phía An Giang và Đồng Tháp lại gánh chịu nghịch lý thừa nước vào mùa mưa (lũ sông Mê Công) và thiếu nước vào mùa khô do dòng chảy trên hệ thống sông này cạn kiệt.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của hạn, mặn, các tỉnh ĐBSCL đã chọn các giống lúa thích ứng với xâm nhập mặn, hạn hán, kháng bệnh, đồng thời tăng sử dụng các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Các tỉnh cũng tăng diện tích lúa áp dụng biện pháp “một phải, năm giảm” nhằm thích nghi với tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất; có kế hoạch về phòng chống hạn, mặn xâm nhập, quản lý chặt việc vận hành các cống đập trong việc ngăn mặn, giữ ngọt... Tuy nhiên, những giải pháp trên là chưa đủ trong bối cảnh hạn, mặn ngày càng diễn ra gay gắt, thường xuyên.
Về lâu dài, theo các chuyên gia, các bộ, ngành trung ương và các địa phương cần kết hợp giải pháp công trình với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Cụ thể, cần sớm quy hoạch và ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình đê biển, đê sông, các cống đập ngăn mặn, trữ ngọt nội đồng. Trong phạm vi địa phương, cần huy động sức dân, kết hợp với các tổ chức quốc tế bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Bộ NN-PTNT cùng với Bộ TN-MT cần đặc biệt quan tâm đến phương pháp quy hoạch chiến lược để khai thác, quản lý tài nguyên nước sông Mê Công một cách hữu hiệu và bền vững; có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý để giảm lượng nước tưới mùa kiệt và thực thi tiết kiệm nước ở những vùng ven biển, thường xuyên có nguy cơ nhiễm mặn. Đối với những vùng đan xen lúa - tôm cần có kế hoạch đóng mở cống hợp lý, kiểm soát ranh mặn; có biện pháp kịp thời trong khống chế và ngăn chặn nước ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản; nghiên cứu, lai tạo và đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn, chịu hạn; có giải pháp trữ nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô cho cư dân vùng ven biển và vùng bị mặn xâm nhập thường xuyên…
HÀM LUÔNG(SGGPO)