Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9
Cập nhật ngày: 24/04/2013 07:53:33
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định như vậy tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch ngày 23-4. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng dự báo nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta là rất lớn nên không thể chủ quan. Thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực trong việc chỉ đạo, triển khai các phương án sẵn sàng chống dịch.
Theo báo cáo của 6 tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai và Lạng Sơn), tổng số hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc đã được giám sát là 35.183 người (theo đường hàng không là 18.983 người, đường bộ 14.527 người và đường thủy là 1.673 người). Trong số gần 1.000 mẫu bệnh phẩm được Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thu thập có gần 120 mẫu dương tính với cúm, chiếm hơn 12%. Riêng các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã xét nghiệm 81 mẫu bệnh phẩm nhưng kết quả không có trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1.
Trung Quốc đã có 104 trường hợp mắc, 21 người tử vong do cúm A/H7N9
Trong khi đó, diễn biến dịch cúm mới nhất tại Trung Quốc cho thấy, nước này đã có 104 trường hợp mắc, 21 người tử vong do cúm A/H7N9. Hiện mới có 13 trường hợp xuất viện, vẫn chưa xác định được nguồn truyền nhiễm. Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đặc tính của vi rút cúm A là dễ biến đổi, có tính thích nghi cao nên nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra. Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa loại trừ khả năng cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người trong phạm vi hẹp do đã ghi nhận một số chùm ca bệnh; nguồn gốc, phương thức lây truyền của cúm A/H7N9 chưa được xác định, do đó thời gian tới Bộ Y tế vẫn sẽ tiếp tục triển khai hoạt động kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp với ngành NN&PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của vi rút cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh, vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm...
Cùng ngày, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, đã ghi nhận thêm bệnh nhi 12 tuổi (ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tử vong do cúm A/H1N1. Như vậy đây là trường hợp tử vong thứ 3 do nhiễm cúm A/H1N1 tại bệnh viện từ đầu năm đến nay. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân bị sốt, ho, khó thở từ ngày 16-4. Sau khi khám tại bệnh viện huyện rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ do diễn biến bệnh ngày càng nặng. Hai trường hợp tử vong (23 tuổi và 46 tuổi) do nhiễm cúm A/H1N1 trước đó đều quê ở Yên Bái và tử vong do nhập viện muộn. Cúm A/H1N1 rất dễ lây từ người sang người, do đó BS Hà khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm cần nhập viện càng sớm càng tốt và nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hằng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.
Theo HNM