Việt Nam kêu gọi tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông
Cập nhật ngày: 10/08/2012 07:12:07
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua tuyên bố các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền các quốc gia khi thực hiện hoạt động nghề cá trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.
Ảnh: Chinhphu.vn
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi số lượng lớn tàu cá Trung Quốc được cho là sẽ hiện diện trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc hôm 1/8 rầm rộ đưa tin 9.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam sẽ ra khơi Biển Đông đánh bắt. Giới chức địa phương này cũng cho biết sẽ khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn để đi xa hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị hôm nay nêu rõ: "Mọi hoạt động của các bên liên quan, trong đó có hoạt động nghề cá trên Biển Đông, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982".
Những hoạt động này cũng cần "phù hợp với tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển", ông Nghị nói.
Trước sự trở lại biển ngày 1/8 nói trên, trong tháng 7, đội 30 tàu cá của Trung Quốc rời Hải Nam để thực hiện hoạt động đánh cá với quy mô lớn chưa từng có tại Trường Sa. Các tàu này được hộ tống bởi Ngư Chính 310, tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc.
Hoạt động của đội 30 tàu cá này vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại các đảo và bãi đá mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Vào cuối tháng 6, Trung Quốc còn nâng cấp bộ máy quản lý và lập đơn vị quân đội đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.
Việt Nam, Philippines, Indonesia và Mỹ đã lần lượt lên tiếng quan ngại về những hành động kể trên của Trung Quốc, cho rằng những việc làm này đi ngược lại với các nỗ lực ngoại giao chung của các nước nhằm giải quyết những bất đồng và càng làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực. Các nước mong muốn Trung Quốc có những bước đi nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông.
VnE