Xăng dầu chưa giảm, dân gánh phí hoa hồng

Cập nhật ngày: 28/03/2013 09:33:00

Giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, nhưng giá bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân đang phải è cổ trả thêm tiền, còn doanh nghiệp (DN) xăng dầu đang có lãi nhờ Quỹ Bình ổn giá.


Người tiêu dùng phải gánh cả phí chi hoa hồng. Ảnh: Hồng Vĩnh

DN lãi gần 900 đồng/lít xăng

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, từ ngày 26/2 đến nay, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quyết định trích Quỹ Bình ổn cho DN xăng dầu với mức 2.000 đồng/1 lít xăng, 800 đồng/lít dầu DO và 1.150 đồng/lít dầu hỏa.

Trong khi đó, giá xăng dầu thành phẩm từ Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Điều này đã giúp mức lỗ của DN đầu mối giảm xuống từ khoảng trên 2.000 đồng/lít (thời điểm cuối tháng 2/2012) đến nay chỉ còn khoảng hơn 1.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, sau khi cộng các loại thuế, phí và được hưởng mức trích Quỹ Bình ổn với mặt hàng xăng ở mức 2.000 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có mức lãi khoảng 800 - 850 đồng/lít.

Mức lãi với mặt hàng diesel 0,5S khoảng trên 700 đồng/lít. Mặt hàng lãi cao nhất là dầu hỏa với mức khoảng trên 900 đồng/lít. Như vậy, việc Bộ Tài chính vẫn đang duy trì mức trích sử dụng Quỹ Bình ổn giá khá cao như trên, đã giúp các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lãi lớn.

Điều đáng nói, theo thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đơn vị đã bị âm do mức trích sử dụng quỹ cao kéo dài trong thời gian qua. Ngay các đơn vị chiếm thị phần lớn như Petrolimex, PV Oil, Quỹ Bình ổn cũng đã được sử dụng hết.

Người tiêu dùng phải gánh chi hoa hồng

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia kinh tế cho rằng, theo quy định, Quỹ Bình ổn chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá. Đó là khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng khiến giá cơ sở tăng cao hơn giá bán lẻ.

Với mức trích hiện nay, đáng ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo quỹ nhằm bù lại khi giá thế giới tăng.

Theo vị chuyên gia này, giá xăng dầu trong nước không thể điều chỉnh theo giá thế giới, do Bộ Tài chính đang cho tính giá cơ sở theo 30 ngày.

Quãng thời gian này quá dài, khiến giá cơ sở trồi sụt theo giá thế giới càng nhiều. Chỉ khi nào hết sử dụng Quỹ Bình ổn, lúc đó mới có thể điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo sát hơn với tín hiệu thị trường.

Một chuyên gia kinh tế khác lại cho biết, mức chiết khấu mà các DN đầu mối xăng dầu trích cho các đại lý lên tới 700-800 đồng/lít xăng bán lẻ. Chính vì thế, bán được càng nhiều, DN nhập khẩu càng có lãi. Đây chính là nguồn cơn khiến các DN đang có một cuộc chạy đua ngầm về mức chi hoa hồng chia cho các đại lý từ 200 đồng tăng lên gấp 4 lần như hiện nay.

“Trong cuộc chạy đua này, thế mạnh sẽ thuộc về những DN có hệ thống bán lẻ tốt. Tuy nhiên, chi phí hoa hồng, xét cho cùng người tiêu dùng phải gánh”- vị chuyên gia nói.

PV Tiền Phong liên lạc với nhiều lãnh đạo các DN đầu mối xăng dầu lớn, nhưng đa số không nghe máy. Giám đốc một đơn vị đang sở hữu hệ thống khoảng hơn 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội xin không bình luận và cho biết, giảm giá bán lẻ xăng dầu hay không là quyền của Bộ Tài chính, DN có muốn cũng không được.

Lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối lớn khác khẳng định, DN xăng dầu hiện lãi hay không, Bộ Tài chính đều biết rất rõ. Bộ Tài chính phải đứng ra giải trình để người dân hiểu rõ về giá xăng dầu hiện nay. “Việc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của đơn vị còn hay đang âm, tôi không dám phát ngôn”- vị này nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết đang theo dõi rất sát diễn biến tình hình xăng dầu thế giới và trong nước. Hiện, liên Bộ Tài chính- Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ về diễn biến thị trường xăng dầu cũng như một số đề xuất có liên quan đến điều hành giá xăng dầu.

Một chuyên gia về lĩnh vực xăng dầu cho rằng, chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng có thể thấy các DN xăng dầu đầu mối đang thu được lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.

“Nếu tính bình quân theo lượng xăng dầu được nhập trong năm 2013 là 13 triệu tấn, trong đó 60% mặt hàng xăng, với lượng bán ra trung bình khoảng trên 2 triệu lít xăng/ngày, các DN đang ung dung hàng chục tỷ đồng lợi nhuận/ngày. Vấn đề chính đối với thị trường xăng dầu hiện nay là phải siết lại quy định về trích thù lao, hoa hồng cho đại lý của DN, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức”, ông này nói.

Liên tục từ ngày 26/2 đến nay, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quyết định trích Quỹ Bình ổn cho doanh nghiệp xăng dầu với mức 2.000 đồng/1 lít xăng, 800 đồng/lít dầu DO và 1.150 đồng/lít dầu hỏa dù giá xăng dầu thế giới đã giảm

Theo TPO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn