Từ hôm nay (1/8)

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ

Cập nhật ngày: 01/08/2016 13:05:44

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định số 46) có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, thay thế Nghị định số 171 và Nghị định số 107 của Chính phủ trước đây. Để hiểu rõ hơn một số điểm mới của Nghị định 46, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Phú Cường - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an tỉnh Đồng Tháp) về vấn đề trên.

PV: Đại tá cho biết Nghị định số 46 có những sửa đổi, bổ sung gì mới so với các Nghị định trước đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ?

Đại tá Phạm Phú Cường (P.P.C.): Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngoài việc kế thừa những quy định đã được thực hiện ổn định trước đây, Nghị định số 46 đã sửa đổi, mô tả lại để làm rõ hơn 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm; bổ sung 45 hành vi và nhóm hành vi chưa được quy định trong Nghị định hiện hành; điều chỉnh mức xử phạt tiền tăng lên đối với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm....


Đại tá Phạm Phú Cường - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ. Ảnh: D.C

PV: Mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ?

Đại tá P.P.C.: Theo Nghị định 46, hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì người điều khiển xe ô tô có thể bị phạt tiền đến 18 triệu đồng (trước đây 15 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) đến 6 tháng (trước đây là 2 tháng). Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có thể bị phạt tiền đến 4 triệu đồng (trước đây là 3 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe GPLX đến 5 tháng (trước đây là 2 tháng). Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có thể bị phạt đến 7 triệu đồng (trước đây là 5 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng GPLX (nếu điều khiển máy kéo) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật (nếu điều khiển xe máy chuyên dùng) đến 4 tháng (trước đây là 1 tháng). Ngoài ra, người điều khiển xe vi phạm quy định về nồng độ cồn còn bị tạm giữ xe đến 7 ngày.

PV: Riêng nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ thì mức xử phạt ra sao?

Đại tá P.P.C.: Đối với hành vi điều khiển xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế của xe, người điều khiển có thể bị xử phạt tiền đến 12 triệu đồng (trước đây là 8 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng GPLX đến 5 tháng (trước đây là 3 tháng), bị buộc phải hạ phần quá tải theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm. Ngoài ra, còn xử phạt đối với chủ xe giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở quá trọng tải của xe. Cụ thể, nếu chủ xe là cá nhân có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, chủ xe là tổ chức có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng.

Đối với hành vi điều khiển xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt quá trọng tải của cầu đường bộ, người điều khiển xe có thể bị xử phạt tiền đến 16 triệu đồng (trước đây là 8 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng GPLX đến 5 tháng (trước đây là 3 tháng), bị buộc phải hạ phần quá tải theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm. Nếu chủ xe là cá nhân có thể bị phạt đến 32 triệu đồng (trước đây 18 triệu đồng), chủ xe là tổ chức có thể bị phạt tiền đến 64 triệu đồng (trước đây là 36 triệu đồng).

PV: Riêng hành vi vi phạm quy định về tốc độ thì mức xử phạt như thế nào?

Đại tá P.P.C.: Người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ có thể bị phạt tiền đến 8 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng GPLX đến 5 tháng (trước đây là 2 tháng). Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có thể bị phạt tiền đến 4 triệu đồng (trước đây là 3 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng GPLX đến 3 tháng (trước đây là 2 tháng). Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có thể bị phạt đến 3 triệu đồng (trước đây là 1 triệu đồng), bị tước quyền sử dụng GPLX (nếu điều khiển máy kéo) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật (nếu điều khiển xe máy chuyên dùng) đến 3 tháng (trước đây là 1 tháng).

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

DŨNG CHINH (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn