Bến quê

Cập nhật ngày: 29/09/2014 05:41:16

Ở quê sông rạch chằng chịt, thành thử nhà nào cũng có một khúc sông chảy qua. Những con sông nhỏ, hiền hòa chứa đựng biết bao niềm thương, nỗi nhớ. Nó vẫn theo con nước vơi đầy mà chảy vào kí ức của người đi xa.

Tôi vẫn nhớ những ngày còn nhỏ, dưới bến sông nhà, ba tập lội cho tôi. Hai trái dừa khô buộc chéo, tôi ôm riết rồi mà vẫn sợ. bàn tay to bè của ba nhẹ nhàng nâng tôi lên để đôi chân nhỏ xíu của tôi yên tâm đạp nước, yên tâm vẫy vùng. Anh Hai trên bờ cười nói: “Bắt chuồn chuồn cắn rún cho nó mau biết lội đi ba ơi!” Tôi ức anh vụ này lắm vì nhớ có lần thằng Hải kế nhà tập lội, tập hoài hổng được, anh nó cũng bắt chuồn chuồn cho cắn rún, còn nói: “Chuồn chuồn mà cắn rún là đảm bảo lội như rái cá!”. Thằng nhỏ bị chuồn chuồn cắn ê rún, sưng vù, khóc đã đời mà tới chừng xuống nước cũng chìm nghỉm.

Rồi đến khi tôi có thể tự mình bơi rành rẽ, bến sông như thể sân nhà đựng đầy tiếng cười của ba anh em tôi mỗi chiều về. Chúng tôi bày đủ trò từ nhảy sông, hụp thi, té nước,.. Chiếc xuồng ba lá má buộc nghiêng chao theo từng nhịp sóng, cây cầu dừa trơn lởn đã in dày những dấu chân xa ngái mà tôi vẫn thường gặp trong giấc mơ của mình.

Bến nước lâu rồi đã gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ như má tôi và Út gái. Má truyền cho em cái tính hay lam hay làm từ nhỏ. Mới năm sáu tuổi nó đã hay lẽo đẽo theo má xuống bến giặt đồ, rửa rau. Rồi má dạy nó gội đầu, mái tóc Út cứ dài thêm mãi theo mùi hương bưởi, hương chanh quê nhà. Út 18 tuổi, má thường vuốt mái tóc dài mướt mượt của nó mà nói: “Thân gái mười hai bến nước, biết bến nào trong, biết sông nào đục, con lớn thì thương mà má lo cũng nhiều!”. Không biết nhờ trời thương hay nhờ Út chịu khó, siêng năng giống má mà chiếc ghe bầu đưa dâu của nhà tôi đã đưa Út ghé một “bến sông” cũng trong veo, hiền hậu, mát lành không khác gì bến nước nhà tôi.

Dưới bến sông nhà tôi có một cội bằng lăng, ngày chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ba vào quân ngũ, má trồng nó như biểu tượng của niềm tin, đợi chờ. Má nói hoa bằng lăng màu tím, màu của thủy chung. Hơn chục năm trời, đồng đội của ba nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, ba tôi trở về lành lặn, vẹn nguyên trong niềm vui của nội, niềm hạnh phúc vỡ òa của má. Đó cũng là năm đầu tiên bằng lăng ra hoa. Gió lung lay thả từng cánh hoa tím mỏng lên mặt sông xanh biếc của ngày vui chiến thắng, đoàn tụ. Cây bằng lăng đã trở thành chứng nhân cho những hy sinh lặng thầm và tình yêu của má. Nó còn hóa thân thành tiếng cười sum họp, bởi sau này cứ mỗi lần ba anh em tôi cùng gia đình nhỏ của mình về đủ mặt, má lại đổ bánh xèo. Bọn trẻ con hí húi giành nhau hái lá cóc, lá xoài, đọt bằng lăng. Mùi thơm và vị ngọt của bánh xèo hòa cùng vị chua của lá cóc, vị nhẫn của đọt bằng lăng, nó như thầm nhắc nhở chúng tôi không được quên những tháng ngày gian khó đã qua.

Cuộc sống mưu sinh đưa tôi đến với phố thị ồn ào, nhưng trong tiềm thức của mình, tôi vẫn là một người nhà quê chính hiệu. Trong tiềm thức ấy vẫn hiện hữu hình ảnh dòng sông quàng tay ôm lấy cánh đồng châu thổ, dòng sông chở ăm ắp phù sa bồi đắp bờ bãi quê nhà. Bên kia mé đường trước cửa nhà tôi, một khúc sông mát rượi, bến nước đầu ngày vi vu gió, bóng mẹ, bóng em ngồi giặt áo, câu ca bồng bềnh nắng xanh: “Nhà mình một bến nước trong/ Đã thương dạ chớ hai lòng anh nghen!”.

Nguyễn Giang San

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn