Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân
Cập nhật ngày: 12/01/2015 13:37:44
Đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, văn nghệ, giải trí của người dân, huyện Cao Lãnh thực hiện Đề án phát triển các thiết chế văn hóa cấp cơ sở giai đoạn 2011-2015. Đề án tập trung vào việc đầu tư các hoạt động văn hóa như truyền thông lưu động, củng cố, duy trì, phát triển câu lạc bộ (CLB), đầu tư cơ sở vật chất nâng cấp các nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng. Đề án được thực hiện từ năm 2011, đến nay huyện Cao Lãnh đã có những chuyển biến tích cực
![](/database/image/2015/01/12/t%206-1.JPG)
Người dân tham gia biểu diễn văn nghệ tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh
Toàn huyện hiện có 238 CLB đàn ca tài tử, hát với nhau, khu sinh hoạt văn hóa gia đình, các tổ, nhóm văn nghệ, CLB thể thao do người dân đầu tư và một số CLB được Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, chủ yếu hoạt động vào những ngày lễ, Tết... Các Đội thông tin lưu động đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người dân thông qua các chương trình, biểu diễn ca múa nhạc. Từ năm 2011 - 2014, Đội thông tin lưu động tổ chức 13 chương trình, 227 buổi biểu diễn các tiết mục ca nhạc, kịch phục vụ hơn 140.000 người xem, tổ chức 5 triển lãm tại chỗ, tuyên truyền trên băng rôn, áp phích, trên xe lưu động.
Trong năm 2012, huyện Cao Lãnh đã khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa huyện với quy mô 300 chỗ ngồi, quảng trường với diện tích 4.000m2, tổng kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Nhà văn hóa trở thành nơi sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, luyện tập thể dục thể thao của người dân. UBND huyện còn đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, ấp tại các xã Bình Thạnh, Mỹ Thọ (được đưa vào sử dụng năm 2013) với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng/xã từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, UBND huyện sẽ khảo sát, xây dựng Nhà văn hóa ở xã Tân Nghĩa và Gáo Giồng, với kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng. Một số ấp trong huyện cũng xây dựng, đưa vào sử dụng nhà văn hóa ấp như Nhà văn hóa ấp 3 (xã Tân Nghĩa), Nhà văn hóa ấp 1 (xã Gáo Giồng), Nhà văn hóa ấp Bình Tân, ấp Bình Linh (xã Bình Thạnh), Nhà văn hóa ấp 2 (xã Mỹ Thọ). Các địa điểm nhà văn hóa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của ấp, lồng ghép với việc sinh hoạt hội đoàn thể, nơi hội họp, nơi chính quyền tiếp xúc với người dân. Đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, hiện nay 17 xã của huyện đều có Trung tâm văn hóa - Học tập cộng đồng, trong đó có 8 trung tâm có trụ sở hoạt động, các trung tâm còn lại hoạt động chung với hội trường của UBND xã.
Hoạt động thể thao cũng được đầu tư cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Trong 4 năm thực hiện đề án, toàn huyện hiện có 16 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và các xã: Bình Hàng Trung, Phong Mỹ, Bình Thạnh, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của người dân.
Trong năm 2015, huyện Cao Lãnh hoàn thiện Nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại 5 xã điểm nông thôn mới; đầu tư xây dựng Nhà văn hóa đa năng, tổ chức các hoạt động học tập cộng đồng, văn hóa, văn nghệ, thông tin, triễn lãm, phòng đọc sách, báo kết hợp với hoạt động của Trạm Truyền thanh xã. Thời gian tới, do còn khó khăn về kinh phí nên việc đầu tư sân bóng đá sẽ được chọn lọc, đồng thời kêu gọi hình thức xã hội hóa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, nâng cao năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn với mục tiêu 100% cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ chuyên môn đạt trình độ từ cao đẳng trở lên.
C.Phương