Huyền thoại mẹ, huyền thoại Tổ quốc

Cập nhật ngày: 24/12/2014 04:55:14

Đã quá quen mà vẫn quá rưng rưng là những bài ca về bao người mẹ đã hy sinh mình, hy sinh cả bản mệnh là con mình cho Mẹ Tổ quốc..


Lệ Quyên

Khi nhạc sĩ Văn Thành Nho viết Đất nước lời ru - bài ca về những người mẹ trong chiến tranh vệ quốc hồi năm 1983, ông nghĩ nhiều đến khát vọng hòa bình. “Ở thời điểm đó, khát vọng hòa bình là rất lớn. Khát vọng hòa bình đó không chỉ là của các chiến sĩ, mà còn là ước vọng của những người mẹ, người chị, người em và của cả dân tộc”, nhạc sĩ nhớ lại. Trên âm hưởng ca trù, nhạc sĩ đã để nỗi nhớ quen thuộc nhất - nỗi nhớ lời ru - dâng trào theo cách tự nhiên nhất.

Dạt dào về mẹ


Ca sĩ Thanh Thúy - Ảnh: Độc Lập

Bài hát mở đầu chương trình Khát vọng trẻ 8 - Tổ quốc gọi tên mình (diễn ra lúc 20 giờ ngày 28.12 tại Cung hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTC9 - Let’s Viet), Đất nước lời ru là sự thao thiết nhớ mẹ gần như “bẩm sinh” trong mọi khán giả. Bởi ai cũng có mẹ, ai cũng có Tổ quốc... Vì thế, không khó hiểu khi giọng ca ngọt chất dân gian Thanh Thúy được chọn để thể hiện bài hát này trong chương trình.

Đất nước lời ru không đứng một mình. Khát vọng trẻ lần này còn có nhiều bài hát khác về mẹ. Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn; Mẹ (nhạc sĩ Phan Long phổ thơ Đoàn Ngọc Thu); Người mẹ của tôi (Xuân Hồng); Đất nước bên bờ sóng (Thái Văn Hòa).

Đúng hơn là những người mẹ đã đi qua cuộc chiến, đã gửi vào đó không chỉ tuổi xuân mà cả những đứa con… Bởi vì họ quá nhiều, nên mỗi bài ca, mỗi dòng thơ chỉ là một góc nhỏ. Khát vọng trẻ - Tổ quốc gọi tên mình có nhiều mảng ghép, nhiều trải nghiệm mẹ khác nhau.

Mẹ, thơ Đoàn Ngọc Thu, nhạc Phan Long, là một trong những trải nghiệm kỳ lạ như thế. Khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, cô bé Đoàn Ngọc Thu mới 5 tuổi. Vì thế, hồi tưởng mẹ của cô là một trải nghiệm dài nhiều năm, theo sự trưởng thành của người phụ nữ trong chính nhà thơ. “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương”. Cộng hưởng âm nhạc, bài thơ đã được nhiều diễn đàn người lính, người mẹ, người vợ lính chia sẻ. Người thể hiện ca khúc này cũng từng xuất thân là lính - diễn viên Quý Bình, người đã 3 lần tham gia Khát vọng trẻ của Báo Thanh Niên trong vai trò MC và lần này anh được chọn mặt gửi vàng cho tiết mục này cùng phần diễn xuất của nghệ sĩ Tú Trinh.

Mẹ là đất nước

Trong chương trình, những bài ca đã trải dài qua nhiều năm tháng, nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc của đất nước như thế. Có bài ca nặng trĩu âm hưởng ca trù đòi hỏi kỹ thuật hát dân gian. Có bài hát mà từng bước nhạc uyển chuyển như nước, đã được lấy làm nhạc phim. Có tác phẩm lại mang âm hưởng anh hùng ca rõ rệt với tinh thần bán cổ điển rất mạnh… “Tôi muốn mang đến một dòng bài hát khác của Trịnh Công Sơn. Vẫn là tình yêu, nhưng không phải tình ca đôi lứa mà là tình yêu Tổ quốc, là sự hy sinh”, ca sĩ Lệ Quyên nói. Cô sẽ trình bày bài hát Huyền thoại mẹ trong chương trình.

Ca sĩ Phạm Thu Hà lại hát trong nỗi nhớ một bài ca hào hùng thuở trước - Đất nước bên bờ sóng. Bài hát này từng lừng danh với bản phối của Phú Quang qua giọng hát Bích Việt trên Đài tiếng nói VN hàng chục năm trước. “Tôi nghĩ đó là một bài hát của năm tháng, của lịch sử. Ai đã nghe cô Bích Việt hát thì thật khó quên. Nhưng giờ đây, chúng tôi muốn hát nó theo cách của mình, vẫn tôn vinh đất nước, người mẹ như xưa”, nữ ca sĩ của dòng nhạc bán cổ điển tâm sự.

“Linh nghĩ dù không phổ biến với giới trẻ bây giờ nữa, nhưng bất kỳ ai nghe những bài hát về người mẹ, về Tổ quốc cũng sẽ rất nhiều cảm xúc”, ca sĩ Uyên Linh - nữ ca sĩ của nhiều bài hit nói. “Điều đó cũng giúp cho Linh hát bài Người mẹ của tôi. Linh không thấy khó khăn gì hết. Linh cũng hy vọng qua giọng ca của Linh, những bạn khán giả ở lứa tuổi của Linh hoặc ít tuổi hơn sẽ tìm nghe những bài ca về đất nước như thế này”.

Không có gì quá nếu gọi những bài hát về mẹ trong Khát vọng trẻ - Tổ quốc gọi tên mình là những bài ca đã thử lửa. Thử lửa thời gian. Thử cả lửa của những trải nghiệm lịch sử từ bao cuộc đọ súng, theo dấu chân người ra trận. Mất mát kể câu chuyện hy sinh. Gian lao nói câu chuyện nghĩa khí. Nước mắt không còn để khóc. Nhưng mẹ một lòng để người mẹ lớn là đất nước bên bờ sóng vẫn dạt dào niềm tin thiêng liêng. Để hát lên tiếng VN khi Tổ quốc gọi tên mình.

Trong tiếng hát đó, người ta thấy cả huyền thoại mẹ lẫn huyền thoại về Tổ quốc này.

Trinh Nguyễn(TNO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn