Khuôn đúc đồ trang sức sưu tầm ở chân Gò Minh Sư
Cập nhật ngày: 22/04/2015 13:39:07
Gò Minh Sư là một bộ phận của Khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2012. Gò có dạng hình chóp (nón lá), cao ở trung tâm và thấp dần xuống các phía, đỉnh gò cao 4,1m so với mực nước biển Hà Tiên. Diện tích rộng khoảng 1.250m2. Gò Minh Sư được đào thám sát năm 1984, bước đầu xác định kiến trúc thuộc thời Vương quốc Phù Nam và đến năm 2009 đã tiến hành khai quật làm rõ toàn bộ kiến trúc xây bằng gạch cấu tạo gồm hai hình gần vuông nối tiếp nhau. Tổng thể bốn gốc kiến trúc bẻ góc một lần và cân xứng giữa hai phần Bắc Nam qua trục giữa Đông - Tây. Trong khi khai quật di tích này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật thể hiện tính chất của một ngôi đền thần Shiva.
![](/database/image/2015/04/22/DT3-8a.jpg)
Mặt trước của khuôn đúc sưu tầm ở chân Gò Minh Sư
Năm 2013, anh Phan Ngọc Quỳnh ngụ số 230 Lê Lợi, phường 2, TP.Cao Lãnh ghé thăm nền kiến trúc Gò Minh Sư, khi đi dạo quanh chân gò anh đã nhặt được một mảnh vỡ trên đó có dấu chạm-khắc. Đến tháng 8/2014, có dịp ghé lại thăm khu di tích Gò Tháp, anh đã tặng lại hiện vật đặc biệt này. Theo nhận định, đây là loại khuôn đúc đồ trang sức. Khuôn đúc được chế tác rất công phu từ đá sa thạch màu xám xanh, có dạng hình chữ nhật, nhưng bị vỡ 3 cạnh. Kích thước còn lại là 8.8 x 7.8 x 2.3 (cm); cả 2 mặt của khuôn đều có hình chạm khắc. Trong đó, một mặt được chạm 1 chiếc vòng tay được chạm dạng vòng chuỗi (kiểu vòng được kết từ hạt chuỗi thủy tinh), vòng có đường kính 5.0cm, tiết diện của vòng là 0.5cm. Bên cạnh là hình chạm 1 khuyên tai có dạng hình búp sen, trong hình chạm đầu cây chùy có 3 rãnh khắc chìm tạo thành như chóp đỉnh của Điện/Đền thờ.
![](/database/image/2015/04/22/DT3-8b.jpg)
Mặt sau của khuôn đúc sưu tầm ở chân Gò Minh Sư
Mặt sau chạm 5 khuyên tai rất rõ, gồm 4 khuyên tai có một đầu hình đóa hoa 4 cánh, mỗi khuyên tai dài 2cm; 1 khuyên tai nhỏ có một đầu hình tròn, dài 1.2cm. Ngoài ra, ở mặt này còn có 2 rãnh tròn (không rõ chức năng), 1 rãnh bị vỡ, chỉ quan sát được một phần rất nhỏ, rãnh còn lại rộng 0.6cm, dài 7cm.
Nghề làm đồ trang sức, đặc biệt làm đồ trang sức bằng vàng là một trong những ngành thủ công phát triển mạnh của cư dân văn hóa Óc Eo - Phù Nam nói chung. Riêng tại khu di tích Gò Tháp đã tìm thấy hàng trăm hiện vật vàng gồm: mảnh vàng hình bánh xe (tượng trưng thần Mặt trời), hình hoa sen (tượng trưng cho sự thanh khiết của vũ trụ), nhẫn vàng hình con ốc, khuyên tai vàng,...
Chiếc khuôn đúc ở chân gò Minh Sư chỉ được thu nhặt trên bề mặt, chưa được đặt vào một tầng văn hóa để định niên đại một cách rõ ràng, nhưng dựa trên địa điểm phát hiện, chất liệu đá và hình chạm trên khuôn, có thể khẳng định đây là chiếc khuôn đúc trang sức của thời văn hóa Óc Eo, một lần nữa củng cố những nhận định trước đây rằng Gò Tháp là một trong những trung tâm sản xuất đồ trang sức thời Vương quốc Phù Nam.
Hữu lý - Quốc Danh