Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 204

Cập nhật ngày: 12/07/2024 06:01:53

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240712060351dt1-2.mp3

 

ĐTO - Trong các ngày từ 12/7 - 15/7/2024 (nhằm mùng 7 - 10 tháng 6 năm Giáp Thìn), để tưởng nhớ công đức, tấm lòng nhân ái của ông, bà Đỗ Công Tường đối với Nhân dân và vùng đất Cao Lãnh, UBND TP Cao Lãnh tổ chức lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 204 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.


Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường được trang trí, chuẩn bị cho lễ giỗ

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ

Bà Lê Thị Mai Trinh - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết: Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh đến cúng viếng, tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ công ơn về tấm gương đạo đức của ông, bà đã khai khẩn đất hoang và cưu mang giúp đỡ người dân, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh TP Cao Lãnh đến với du khách trong và ngoài tỉnh, UBND TP Cao Lãnh tổ chức các hoạt động trang trí, quảng bá - kết nối du lịch và văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường lần thứ 204, năm 2024”.

Trong các ngày diễn ra lễ giỗ, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố tổ chức trang trí Không gian Văn hóa Góc quê và Làng Hòa An xưa (tái hiện Chợ Vườn Quýt, Thư pháp, tổ chức hoạt động trải nghiệm in và tặng tranh khắc gỗ, trang trí công cụ nông nghiệp xưa, trang trí Không gian Làng Hòa An xưa, biểu diễn Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp...) trên đường Lê Lợi, trước cổng Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường (viết tắt là Đền thờ) và Cầu Đỗ Công Tường (khu vực Chợ đêm Đèn Dầu). Cùng với đó, các hoạt động quảng bá - kết nối du lịch và văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức như: tô tượng, vẽ tranh trang trí trên các sản phẩm du lịch (túi xách, nón, ba lô...) giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương gắn với quảng bá du lịch TP Cao Lãnh tại khu vực Chợ đêm Đèn Dầu.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động diễn ra theo từng ngày trong thời gian lễ giỗ được tổ chức. Cụ thể, trong ngày 12/7/2024 (mùng 7/6 âm lịch), Hội thao các môn thể thao dân tộc được tổ chức trên đường Lê Lợi (trước cổng Đền thờ); hoạt động hoạt náo và biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại khu vực Chợ đêm Đèn Dầu; giao lưu, biểu diễn Không gian Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp, Chương trình nghệ thuật tổng hợp (tại Sân khấu trước cổng Đền thờ).

Trong ngày 13/7/2024 (nhằm mùng 8/6 âm lịch), hoạt động giao lưu thể dục dưỡng sinh mở rộng TP Cao Lãnh được tổ chức tại Công viên Hai Bà Trưng; Hội thao các môn thể thao dân tộc tổ chức trước cổng Đền thờ; giao lưu các Ban nhạc đường phố TP Cao Lãnh tại Sân khấu Đèn Thủy Tiên, Công viên Văn Miếu (Phường 1, TP Cao Lãnh). Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố phối hợp Ban Tế tự Đền thờ tổ chức Chương trình nghệ thuật tổng hợp Cải lương tuồng cổ, Đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp và Hội diễn Lân - Sư - Rồng (tại Sân khấu trước cổng Đền thờ). Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “Địa danh, lịch sử, văn hóa” TP Cao Lãnh lần II, năm 2024 tại Công viên Văn Miếu (Khu vực Đường sách TP Cao Lãnh).

Trong ngày 14/7/2024 (nhằm mùng 9/6 âm lịch), tiếp tục diễn ra các hoạt động như: Hội diễn Lân - Sư - Rồng và Chương trình nghệ thuật tổng hợp Cải lương tuồng cổ, Đờn ca tài tử - Hò Đồng Tháp. Cùng với đó, Giải vô địch các Câu lạc bộ cờ tướng, cờ thế TP Cao Lãnh được tổ chức tại khu vực trước cổng Đền thờ; hoạt động tuyên truyền lưu động quảng bá hình ảnh du lịch thành phố tại Công viên Hai Bà Trưng. Ngày 15/7/2024 (nhằm mùng 10/6 âm lịch), tiếp tục diễn ra Giải vô địch các Câu lạc bộ cờ tướng, cờ thế và tổ chức Hội thi Đua xuồng TP Cao Lãnh năm 2024 tại sông Cao Lãnh (khu vực Công viên Hai Bà Trưng).


Tổ chức trang trí Không gian Văn hóa Góc quê và Làng Hòa An xưa (Ảnh: T.Trúc)

Chuẩn bị sẵn sàng cho lễ giỗ

Đền thờ và mộ ông, bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại số 64 đường Lê Lợi, Phường 2, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2019, Mộ và Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường hằng năm đã trở thành lễ hội cấp thành phố của TP Cao Lãnh. Đối với người dân Cao Lãnh, lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường là dịp để tri ân bậc tiền nhân đã có công ơn với người dân và cũng là niềm tin tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân Cao Lãnh, nhất là những người buôn bán tại chợ Cao Lãnh luôn cầu mong ông, bà phù hộ cho mua may bán đắt, làm ăn phát đạt.

Những ngày này, người dân trong vùng Cao Lãnh và từ các nơi khác nô nức đến dâng cúng lễ vật, tưởng nhớ công đức của ông, bà và tham dự các hoạt động lễ hội. Đây là niềm vui của đông đảo người dân địa phương. Chị Trần Thị Thanh Thủy ở Phường 1, TP Cao Lãnh, chia sẻ: “Hằng năm, đến dịp lễ giỗ ông, bà Chủ Chợ Cao Lãnh, tôi cũng như những người dân Cao Lãnh đều sắp xếp việc nhà để đến cúng bái ông, bà; tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân và cầu mong cho người thân trong gia đình khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, phát đạt”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Tế tự Đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường, cho biết: “Lễ giỗ ông, bà hằng năm có khoảng 70 - 80 ngàn người dân ở Cao Lãnh và từ các nơi đến cúng ông, bà. Để chuẩn bị chu đáo cho lễ giỗ ông, bà lần thứ 204 này, mấy ngày nay, bà con xúm lại dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp các công việc hậu cần để chuẩn bị lễ cúng và tiếp đãi người dân trong những ngày diễn ra lễ giỗ”.

Không chỉ Ban Tế tự, cơ quan chức năng và chính quyền TP Cao Lãnh chuẩn bị sẵn sàng, mà người dân Cao Lãnh hào sảng cũng vậy, những ngày diễn ra lễ giỗ ông, bà sẽ có không ít chỗ phát thức ăn, nước uống các loại miễn phí cho bà con đi cúng ông, bà. Anh Phạm Văn Năm (còn gọi là anh Tư chùa) ngụ phường Hòa Thuận, chia sẻ: “Trước đây, tôi mua bán tại chợ Cao Lãnh, giờ con tôi cũng mua bán tại chợ nên gia đình tôi nhiều năm tham gia phát nước trong Tổ từ thiện nước giải khát vào những ngày lễ giỗ ông, bà. Qua việc làm nhỏ này, chúng tôi mong muốn góp phần tri ân ông, bà ngày xưa đã cứu giúp người dân Cao Lãnh tai qua nạn khỏi, cũng như hỗ trợ cô bác gần xa đến cúng bái ông, bà bớt đi một phần chi phí, tốn kém”.

Vào những ngày này, không khí và người dân đến TP Cao Lãnh nhộn nhịp, đông vui. Có thể nói, lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường là lễ hội của lòng dân. Đối với nhiều thế hệ người Cao Lãnh, đang ở tại địa phương hay ở nơi khác, đều lưu giữ những kỷ niệm về những ngày lễ giỗ ông, bà Chủ chợ, về quê hương Cao Lãnh mến yêu - giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Vào những năm đầu thời vua Gia Long, ông, bà Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong (nay là TP Cao Lãnh), gia tư khá, tánh tình cương trực nên ông được dân làng cử giữ chức Câu Đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng.

Đất hoang khẩn được, ông, bà trồng vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm, nơi đây thuận chỗ nên người dân tập trung mua bán càng lúc càng đông. Thấy cảnh người mua bán không nơi ẩn trú lúc nắng gắt, mưa to, ông, bà cho dựng cái chòi bằng tre lá, tạm thành chợ. Qua thời gian, chợ trở nên sung thịnh, người gọi là chợ Vườn Quýt, kẻ gọi là chợ Ông Câu hoặc Câu Lãnh...

Năm Canh Thìn (1820) người dân Mỹ Trà và quanh vùng bị bệnh dịch tả hoành hành, người chết rất nhiều. Cảm cảnh, ông, bà lập bàn hương án tế trời đất, nguyện chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau khi khấn nguyện, ông, bà chay lạt, khổ hạnh 3 ngày, đến mùng 9 tháng 6, bà lâm bệnh và mất, qua mùng 10 thì ông cũng bệnh qua đời, sau đó dịch tả chấm dứt.

Tưởng nhớ công đức của ông, bà, Nhân dân lập miếu phụng thờ gọi là Miếu ông, bà Chủ Chợ và tổ chức lễ giỗ vào mùng 9 - 10 tháng 6 hàng năm. Chợ Vườn Quýt lần hồi khôi phục, sung túc hơn trước và được mọi người quen gọi là chợ Câu Lãnh, rồi nói trại đi thành Cao Lãnh lúc nào không ai biết.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn