Nghĩ từ một vụ đạo nhạc hot

Cập nhật ngày: 05/11/2014 13:45:49

Mấy ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng đang nóng rát vụ đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP bởi ca khúc “Biết ai đó sẽ về” - đang trở thành hit gần đây trong giới thưởng thức trẻ Việt Nam. Theo phát hiện của FC Lee Jung Shin (thành viên nhóm CN Blue - Hàn Quốc) thì Sơn Tùng M-TP đã copy đến 98% phần nhạc của ca khúc “Because I miss you” là một sáng tác của trưởng nhóm Jung Yong Hwa cho bộ phim truyền hình mang tên “Hearstrings”. Trước đó, một số ca khúc khác của Sơn Tùng M-TP, nhất là ca khúc hit “Em của ngày hôm qua” cũng dính nghi án đạo nhạc (“Em của ngày hôm qua” giống “Every night” của nhóm Exid; “Cơn mưa ngang qua” có nhiều điểm tương đồng với bài hát “Sarangi Mareul Deutjianha” của nhóm Namolla; “Nắng ấm xa dần” là một bản nhái của ca khúc “Monologue” - nhóm nhạc Kpop As one; “Em đừng đi” có phần beat giống với ca khúc “Till” của nhóm Flower...). Nóng đến mức Zing MP3 phải gỡ ca khúc nói trên ra khỏi bảng xếp hạng của mình.

Đạo nhạc ở Việt Nam có vẻ như khá thường xuyên và trở thành căn bệnh kinh niên, khó chữa trị, nhất là trong giới sáng tác trẻ. Họ đạo các tác phẩm âm nhạc nước ngoài đình đám, thường là của Hàn Quốc, Nhật Bản..., xào xáo và đặt lời Việt, nhằm đánh lừa một bộ phận người thưởng thức cuồng nhiệt trong giới trẻ Việt Nam hiện nay. Và quả thực, họ đã ít nhiều đánh lừa được, kiểu các ca khúc hit của Sơn Tùng M-TP gần đây.

Điều đáng bàn ở bài này không ở lĩnh vực đạo đức nghề nghiệp của người sáng tác, vì đã được nói nhiều, đã bị lên án mạnh mẽ mỗi khi phát hiện ra một vụ đạo nhạc. Điều đáng nói là vì sao một ca khúc copy một phần ca khúc nước ngoài (nghĩa là không giống hoàn toàn nguyên bản) vẫn làm điên đảo giới trẻ yêu âm nhạc Việt Nam đến thế, kiểu như: “Em của ngày hôm qua” hay “Biết ai đó sẽ về”...?

Câu hỏi trên có thể được trả lời, ít nhất bởi hai điều sau đây: Một là, ca khúc hay đích thực phù hợp với giới trẻ Việt Nam quá ít nếu không muốn nói là không có! Cái hay của ca khúc không chỉ toát lên ở ca từ mà sâu xa và quan trọng hơn, nó phải ám ảnh thính giả bằng phần nhạc, khi trình độ thưởng thức của người nghe là giới trẻ đã ngày một nâng cao. Quả thực, những ca khúc bị coi là đạo nhạc nói trên của Sơn Tùng M-TP, khó nghe ca từ tiếng Việt hoặc rất ít lời nhưng trở nên hit bởi phần giai điệu, tiết tấu cùng những lời phiêu nhấn nhá của ca sĩ theo nhạc. Sự thiếu hụt nói trên phản ánh tình hình: đội ngũ nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam dường như rất ngại hoặc không viết ca khúc cho giới trẻ; nếu có viết thì ca khúc nằm ở phạm trù thị hiếu già, không hợp giới trẻ nên không được họ nhiệt tình đón nhận; còn đội ngũ nhạc sĩ trẻ thì viết khỏe, nhanh nhưng do năng lực và kinh nghiệm có hạn, nhất là tài năng còn ở mức tầm tầm nên ca khúc của họ cũng chưa vào được giới trẻ, chưa nói trở nên hit. Hai là, cái gọi là dòng nhạc thị trường với hàng loạt các ca khúc vừa ngô nghê văn nói và tục tĩu trong ca từ vừa sơ đẳng, vụng về, mô phỏng về giai điệu, tiết tấu, khiến người nghe đinh tai nhức óc hoặc sổ toẹt, nên với một ca khúc đạo nhạc có phần âm nhạc hay (và đặt lời Việt phù hợp), lập tức người thưởng thức vồ vập đón nhận, tung hô tận mây xanh. Buồn là họ lại trở thành nạn nhân, rất thất vọng khi bị lừa một cách trắng trợn.

Giải pháp cho vấn đề này thì đã rõ. Một là, rất cần những ca khúc Việt hay, phù hợp thị hiếu giới trẻ từ đội ngũ nhạc sĩ tên tuổi để có thể đánh bạt làn sóng âm nhạc thị trường, âm nhạc nhái... đang làm mưa làm gió một khoảng trời âm nhạc Việt Nam hiện nay. Vả chăng, các hiệp hội, đoàn thể (nhất là các đoàn thể thanh niên)... nên đứng ra tổ chức những cuộc vận động sáng tác trong giới nhạc sĩ chuyên nghiệp với mục đích này để tìm ra nhiều ca khúc được giới trẻ đón nhận. Hai là, cần thành lập một tổ chức chuyên môn (của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chẳng hạn) với chức năng phát hiện các tác phẩm đạo nhạc khi mới tung ra thị trường, qua đó giảm bớt rủi ro và sự tác hại của nó như lâu nay. Ba là, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các đài truyền hình, phát thanh lớn với sức mạnh cập nhật và lan tỏa của mình, không sử dụng những sản phẩm đạo nhạcca khúc thị trường trên sóng của mình khi bị phát hiện. Và bốn là, tự thân người sáng tác âm nhạc phải luôn tu dưỡng, bồi bổ đạo đức nghề nghiệp, phải biết tự trọng khi làm ra tác phẩm và luôn biết tôn trọng khán thính giả một cách đích thực.

Nhạc sĩ Huy Tuấn đã từ chối hợp tác với Sơn Tùng M-TP. Còn khán thính giả có kiên quyết tẩy chay các ca khúc đạo nhạc của ca sĩ này không? Câu hỏi có vẻ rất khó trả lời...

THAI SẮC

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn