Nỗ lực phát triển văn hóa đọc
Cập nhật ngày: 01/04/2025 10:48:21

ĐTO - Tại huyện Tháp Mười, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, người dân hình thành, duy trì thói quen đọc sách, UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới hoạt động thư viện, tổ chức không gian đọc sách, bổ sung các đầu sách phát huy tối đa chức năng, hiệu quả phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu của giáo viên, học sinh, người dân.

Xã đoàn Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) tổ chức hoạt động dành cho học sinh hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4)
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các đơn vị trường trên địa bàn quan tâm công tác thư viện, kiểm tra, bổ sung các nguồn sách báo, bày trí các đầu sách theo chủ đề, chủ điểm thuận lợi cho học sinh, giáo viên mượn, đọc, nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giảng dạy, học tập. Cùng với đó, cán bộ phụ trách thư viện trường tham gia các lớp tập huấn do các ngành tổ chức; trong khuôn viên trường, lớp học, bố trí địa điểm để học sinh tích cực tìm sách đọc trong giờ ra chơi.
Năm học 2024 - 2025, huyện có 30 thư viện đạt chuẩn, tiên tiến thuộc các ngành học Mầm non, cấp Tiểu học, THCS. Tại một số điểm trường, thư viện không chỉ phong phú về số lượng các đầu sách, mà còn trang trí không gian sạch đẹp, đầy đủ bàn ghế thu hút học sinh đến đọc sách. Nổi bật, Huyện đoàn Tháp Mười cùng các cơ sở Đoàn trên địa bàn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại các xã, thị trấn và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp dành cho học sinh cấp Tiểu học, THCS, THPT tham gia. Năm 2024, gần 100 học sinh Trường THPT Đốc Binh Kiều, THPT Phú Điền, THPT Trường Xuân tham dự buổi thuyết trình giới thiệu sách “Văn hóa Óc Eo ở Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp”. Ban Chấp hành Đoàn trường thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi tại sân trường, thư viện trường, giới thiệu sách mới thu hút học sinh.
Ngoài thư viện các trường học, huyện có 1 thư viện cấp huyện, 2 thư viện cộng đồng, 123 Tủ sách khuyến học tại các xã, thị trấn, điểm Bưu điện - Văn hóa xã hỗ trợ tốt cho nhu cầu đọc, tiếp cận thông tin. Trong năm 2024, thông qua các nguồn hỗ trợ, các đơn vị liên quan đã mua 220 đầu sách, 1.050 bản sách thiếu nhi, sách kỹ năng sống, sách ngoại ngữ, tài liệu tham khảo. Mô hình “Tủ sách khuyến học” tại các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, các trường học, Hội quán, Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì, hiện có 18 tủ sách phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin của người dân... Số lượng sách tại các hệ thống thư viện, Tủ sách khuyến học phục vụ hơn 6.000 lượt người/tháng, trong đó thiếu nhi chiếm trên 80%. Đồng thời, các đơn vị phối hợp Thư viện tỉnh tổ chức hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển 800 bản sách cho thư viện các trường học phục vụ các em thiếu nhi.
Ngoài đọc sách trực tiếp hệ thống thư viện cộng đồng, Tủ sách khuyến học ở các xã, thị trấn, người dân còn tham gia đọc sách tại các Tủ sách khuyến học bố trí tại Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng hoặc tiếp cận thông tin trên internet, Trang thông tin điện tử huyện, mạng xã hội để cập nhật các kiến thức mới liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hóa, thể thao, hình thành thói quen đọc sách, làm phong phú thêm đời sống tinh thần. Các ngành, UBND các xã, thị trấn phối hợp tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức hoạt động phong trào như: vận động tập, viết làm quà tặng trò chơi đuổi hình bắt chữ trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (ngày 21/4) cấp huyện, biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu...
Trong năm 2025, UBND huyện, các ngành, UBND các xã, thị trấn tiếp tục phát triển hệ thống thư viện, nâng cấp cơ sở vật chất thư viện công cộng và thư viện trường học, bổ sung nguồn sách để đáp ứng nhu cầu đọc sách của mọi lứa tuổi. Đồng thời thường xuyên tổ chức “Ngày hội đọc sách” tại trường học, các cơ sở cộng đồng và thư viện, phát động các cuộc thi đọc sách, kể chuyện theo sách, chia sẻ cảm nhận về sách. Cùng với đó, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng về kỹ năng tổ chức hoạt động khuyến đọc cho cán bộ thư viện, giáo viên và người làm công tác văn hóa. Ngoài ra, tiếp tục vận động, kết nối các đơn vị tài trợ, hỗ trợ trang bị Tủ sách khuyến học, bổ sung các đầu sách đa dạng nhiều lĩnh vực để khuyến khích người dân tìm đọc, nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc sống, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến các tầng lớp nhân dân.
P.L