Phát huy các hệ giá trị văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch
Cập nhật ngày: 06/06/2024 05:40:11
ĐTO - Những năm gần đây, tỉnh tập trung xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quán triệt tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 06 về “Xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo” và Kết luận số 249 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, phát huy các hệ giá trị văn hóa thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Tái hiện các hoạt động (cày, bừa) phục vụ sản xuất lúa nước của ông, cha ta ngày xưa tại Khu Du lịch văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò)
Ngoài ra, tỉnh ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cùng với đó, quy định tiêu chuẩn và trình tự đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa: “Gia đình văn hóa”, “Khóm đô thị văn minh”, “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường đô thị văn minh”, “Thị trấn đô thị văn minh”, “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đợn vị các cấp thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là tạo ra những đặc trưng riêng của vùng đất, văn hóa, con người Đất Sen hồng nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh xác định các giá trị lịch sử, văn hóa Đất Sen hồng là nội lực để xây dựng, quảng bá hình ảnh địa phương, là nguồn tài nguyên trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn sen”. Đồng thời tạo ra đột phá trong suy nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nét đặc trưng tốt đẹp của văn hóa, con người Đồng Tháp. Phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống tốt đẹp, nét đặc trưng văn hóa, con người Đồng Tháp để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho sự sáng tạo, góp phần phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Các khu, điểm du lịch không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực chỉnh trang, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường, tiện nghi phục vụ du khách, hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, du Xuân, đón Tết, các dịp lễ lớn của dân tộc, sự kiện văn hóa du lịch của tỉnh và các địa phương. Tỉnh có nhiều điểm du lịch được công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long: Khu Du lịch văn hóa Phương Nam, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quít... Đồng thời phát triển mô hình Chợ quê Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh) hoạt động định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần, tái hiện lại khung cảnh chợ xưa với các quầy hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chợ quê Long Thuận (huyện Hồng Ngự) thu hút rất đông người dân đến mua sắm, tham quan...
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch và kết nối, xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, cũng như tận dụng thế mạnh về nông nghiệp, xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp gắn kết với cộng đồng và làng nghề mang tính trải nghiệm cao để thu hút khách du lịch quốc tế và khách nội địa có thu nhập cao.
Với nhiều cách làm sáng tạo trong phát huy các hệ giá trị văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
TIẾN ĐẠT