Tác giả, đạo diễn Thanh Hùng
Thành công từ hoạt động văn hóa, nghệ thuật địa phương
Cập nhật ngày: 15/04/2015 12:25:12
Trên 30 năm tham gia công tác trên mặt trận văn hóa văn nghệ, tác giả, đạo diễn Nguyễn Thanh Hùng đã khá thành công từ các hoạt động phong trào đờn ca tài tử, dàn dựng các chương trình thông tin cổ động, hội diễn, viết tiểu phẩm, kịch bản sân khấu, đặc biệt là viết ca khúc ca cổ, dàn dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước.
Tác giả Thanh Hùng
Tác giả Nguyễn Thanh Hùng sinh ra và lớn lên ở vùng quê Mỹ Ngãi, Cao Lãnh, là nơi có phong trào đờn ca tài tử phát triển sớm. Bản thân Thanh Hùng có năng khiếu, đam mê, gắn bó với đờn ca tài tử từ nhỏ và được cha truyền dạy. Lớn lên, anh tham gia ca hát, sáng tác cho phong trào ở địa phương. Từ năm 1980, Thanh Hùng tham gia công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin TX.Cao Lãnh; được tham gia tập huấn các lớp sáng tác văn thơ, vọng cổ, hò vè... Từ đó, Thanh Hùng bắt đầu bén duyên, gắn bó với hoạt động sáng tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cho đến nay.
Với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, ngoài nhiệm vụ lãnh đạo chung trong hoạt động chuyên môn, anh còn là tay viết rất “khỏe” và dày dặn kinh nghiệm trong việc dàn dựng chương trình. Mỗi năm, tác giả Thanh Hùng cùng đơn vị tổ chức biên tập và dàn dựng từ 30 - 40 chương trình văn nghệ phục vụ mít tinh, các sự kiện chính trị ở địa phương, nhất là dịp kỷ niệm những ngày lễ và văn nghệ mừng xuân. Có thể nói, với việc dàn dựng nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật thường gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác phối hợp nhưng với vai trò người đạo diễn chương trình và viết kịch bản, tác giả Thanh Hùng luôn có những sáng tạo trong dàn dựng, khéo léo việc bố trí diễn viên, ca sĩ phù hợp, làm cho các tiết mục thêm hấp dẫn, thu hút người xem, đồng thời phát huy được nghiệp vụ của anh em tham gia.
Với vai trò là Phân hội Phó Phân hội Sân khấu (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh), Thanh Hùng còn truyền dạy cho hàng trăm lượt diễn viên ở cơ sở huyện, thị, thành, trường học và các cơ ngành trong tỉnh, qua đó phát hiện nhân tố mới và góp phần tích cực gầy dựng phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng tổ chức phân hội sân khấu ở cơ sở.
Mặc dù bận rộn nhiều công việc dàn dựng phục vụ sự kiện chính trị ở địa phương, nhưng với tình yêu quê hương, muốn góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử, tác giả Thanh Hùng cũng dành nhiều thời gian cho việc sáng tác nhiều bài ca cổ, điệu lý, dân ca và tích cực gầy dựng phong trào đờn ca tài tử ở cơ sở. Anh đã sáng tác trên 40 bài ca vọng cổ, trong đó tập ca cổ “Vị ngọt dâng đời” xuất bản năm 2003 được tuyển chọn với gần 20 bài vọng cổ ca ngợi về vẻ đẹp của quê hương Đồng Tháp. Nói về nghề nghiệp của mình, Thanh Hùng chia sẻ: “Làm trong lĩnh vực nghệ thuật, đòi hỏi có cái tâm và sự nhiệt tình, đam mê mới làm được. Tuyên truyền chủ trương Nhà nước thông qua loại hình nghệ thuật đòi hỏi người sáng tác phải đầu tư suy nghĩ tạo ra tác phẩm có chất lượng, sát cuộc sống,...”.
Tuy không có tác phẩm dài hơi, nhưng có thể nói tác giả Thanh Hùng là một trong những nghệ sĩ tham gia sáng tác trên nhiều lĩnh vực nhưng tất cả đều thành công và đạt nhiều giải thưởng cao. Chỉ riêng thể loại tiểu phẩm, kịch bản sân khấu, anh đạt 30 giải. Thể loại vọng cổ, chập cải lương và dân ca anh đã viết hàng trăm tác phẩm và có trên 100 tác phẩm đạt giải cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc. Với hơn 50 tuổi đời và trên 30 năm gắn bó với hoạt động văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà, tác giả Thanh Hùng càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, vốn sống và khẳng định được khả năng sáng tác của mình với vai trò không thể thiếu của một người đứng sau ánh đèn sân khấu.
Thanh Truyền