Tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Cập nhật ngày: 30/03/2024 05:40:48
ĐTO - Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Chú trọng tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em các cấp; trang bị kỹ năng cho cha, mẹ, người trực tiếp nuôi dạy trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập huấn cho báo cáo viên, truyền thông viên cấp huyện, cấp xã về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em
Theo Sở LĐ-TB&XH, thời gian qua, các ngành, các cấp tăng cường công tác phối hợp, lồng ghép triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động; tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em... Tuy nhiên, thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em (tăng 26 vụ so với năm 2022); riêng quý 1/2024, toàn tỉnh ghi nhận 12 vụ xâm hại, bạo lực trẻ em. Với mục tiêu bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, Sở LĐ-TB&XH tăng cường công tác trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông nhóm cho cán bộ cấp huyện, cấp xã. Đồng thời nâng cao ý thức của cha mẹ, người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Theo đó, từ ngày 25 - 27/3, Sở LĐ-TB&XH tổ chức 3 lớp tập huấn cho báo cáo viên, truyền thông viên 12 huyện, thành phố và công chức LĐ-TB&XH, cộng tác viên công tác xã hội, người có khả năng truyền thông tại các xã, phường, thị trấn về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Tại lớp tập huấn, đại diện Sở LĐ-TB&XH cung cấp kiến thức về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; những quy định của pháp luật đối với hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Ngoài ra, báo cáo viên, truyền thông viên còn được trang bị kỹ năng và phương pháp tổ chức hoạt động truyền thông, sinh hoạt nhóm hiệu quả. Buổi tập huấn trở nên sinh động hơn khi các học viên tham gia thực hành tổ chức buổi truyền thông trực tiếp cho người dân, trẻ em tại địa bàn dân cư. Đồng thời đưa ra những biện pháp để mỗi người dân và trẻ em có thể chủ động phòng ngừa hoặc ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
Anh Trần Văn Chí - cộng tác viên công tác xã hội xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười), chia sẻ: “Qua lớp tập huấn báo cáo viên, truyền thông viên về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, tôi tiếp thu được nhiều thông tin bổ ích, có thêm kỹ năng thực hiện tốt nhiệm vụ của người cộng tác viên công tác xã hội. Tôi sẽ vận dụng kiến thức mới, chủ động chuẩn bị kỹ về tài liệu, hình ảnh có liên quan, sử dụng từ ngữ dễ hiểu và có sự tương tác với người dân, trẻ em trong quá trình tuyên truyền, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền và bảo vệ, chăm sóc tốt trẻ em tại địa bàn quản lý”.
Trong tháng 4/2024, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tập huấn cho các Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trẻ em cấp xã kiến thức, kỹ năng truyền thông về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Song song với tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, các Câu lạc bộ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố triển khai tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cha, mẹ hoặc người đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em. Mục tiêu của hoạt động nhằm giúp trẻ em và cha, mẹ hoặc người đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em nhận diện được các hình thức bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; những giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; các địa chỉ hỗ trợ trẻ em khi bị xâm hại, bạo lực... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tự giác và kỹ năng tự bảo vệ cho gia đình, trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực”.
LÊ THANH