Giải pháp nào cho đảng viên đi xa nơi cư trú?
Cập nhật ngày: 16/09/2013 05:19:50
Theo thống kê của Ban Tổ chức (BTC) Huyện ủy Tháp Mười, toàn huyện có đến 66 đảng viên (ĐV) đi làm ăn xa (có xin phép). Ngoài ra, cũng có một số ĐV bỏ địa phương đi làm ăn xa nhưng chưa làm đơn xin phép, bởi họ cố gắng sắp xếp thời gian về dự sinh hoạt lệ hàng tháng, nhưng cũng có nhiều trường hợp bị xóa tên do bỏ sinh hoạt quá lâu.
Tuy nhiên, số lượng cụ thể thì BTC Huyện ủy chưa nắm hết. Còn ở huyện Tam Nông, số ĐV đi làm ăn xa là 52 người, qua rà soát, có những ĐV bỏ sinh hoạt khá lâu, nên Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy xóa tên 2 trường hợp.
ĐV đi làm ăn xa ở huyện Tam Nông đa số là người trẻ tuổi, có người mới được kết nạp Đảng 2-3 năm. Phần đông họ làm công nhân, phụ hồ, may giày hoặc đi làm thuê cho các doanh nghiệp tư nhân, công việc cũng khó có thể coi là ổn định. Ông Nguyễn Văn Chống - Trưởng BTC Huyện ủy Tam Nông cho biết: BTC Huyện ủy đã trình cho BTV Huyện ủy Tam Nông xem xét đề xuất việc chuyển sinh hoạt Đảng cho ĐV đến địa bàn (các khu dân cư) ở nơi họ đang làm việc, giúp họ có điều kiện thuận lợi hơn trong sinh hoạt lệ và công việc. Nhưng cái khó hiện nay là đa phần nơi làm việc của họ chưa có tổ chức cơ sở đảng và nhiều nguyên nhân khác nên đến nay vẫn chưa có trường hợp ĐV làm ăn xa chuyển sinh hoạt.
Ở xã An Hòa, huyện Tam Nông có 4 ĐV đi làm ăn xa. Có 1 trường hợp đã bị xóa tên do bỏ sinh hoạt quá lâu, còn 1 trường hợp khác đang chuẩn bị đi lao động ở nước ngoài và có “nguy cơ” xin ra khỏi Đảng. Bà Ca Thị Thúy - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Hòa cho biết: ĐV đi làm ăn xa ở xã đa số là người nghèo, không có đất canh tác nên phải chịu cảnh xa quê. Thực tế cho thấy, nếu được nhận vào các công ty, doanh nghiệp làm việc (nhất là đối với những công ty có vốn đầu tư nước ngoài), xin nghỉ một vài ngày trong tháng là điều không dễ, bởi vậy có ĐV làm đơn xin không họp lệ tới 6 tháng.
Cũng theo bà Thúy, những ĐV đi làm ăn xa của xã đều còn tâm huyết và không muốn bị xóa tên, tuy không họp lệ thường xuyên, nhưng họ vẫn duy trì đóng đảng phí đầy đủ. Trước khi xóa tên một trường hợp ĐV nào do không đảm bảo sinh hoạt lệ định kỳ, Thường trực Đảng ủy xã đều có gặp gỡ, trao đổi cụ thể để tìm hiểu nguyên nhân, tâm tư, nguyện vọng của từng người; cho cá nhân đó tự nhìn nhận lại, nếu thấy còn tha thiết thì phải chấp hành đúng quy định, còn xóa tên chỉ là giải pháp cuối cùng.
Cái khó nhất ở các địa phương là không thể bố trí được công việc phù hợp cho ĐV đi làm ăn xa. Mặc dù xã có nhiều cố gắng như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề... Có những ĐV vì trách nhiệm với Đảng nên trở về, những trường hợp này được địa phương khá quan tâm. Ông Bùi Văn Nhi, ĐV Chi bộ ấp 3, xã An Hòa, là một trường hợp như thế. Trước đây, do đời sống khó khăn, ông Nhi ra Vũng Tàu tìm việc. “Không đất sản xuất nên phải đi tìm kế sinh nhai, tính từ khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi đã đi làm ăn xa đến mấy lần, nhưng có viết đơn xin phép và trở về họp lệ đúng định kỳ” - ông Nhi tâm sự.
Xa quê, công việc của ông Nhi là phụ hồ. Trở về địa phương, ông được xã quan tâm, giúp đỡ về việc làm. Hiện tại, ông Nhi làm bảo vệ cho một công ty tư nhân ở địa phương; vợ ông được Hội Liên hiệp phụ nữ và UBND xã tạo điều kiện có được công việc nấu ăn cho nhóm trẻ cộng đồng, thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, số ĐV được hỗ trợ, giúp đỡ có công việc tại địa phương như ông Nhi chưa nhiều.
Đại diện một số cấp ủy cơ sở cho rằng, hiện nay, ngoài việc cố gắng chuyển sinh hoạt Đảng cho những ĐV có nhu cầu thì chưa có những giải pháp cụ thể, thiết thực nào cho vấn đề ĐV bỏ địa phương đi làm ăn xa. Phía địa phương không thể bố trí hoặc khó giới thiệu được việc làm cho những ĐV trên. Bởi vậy, đối với ĐV đi làm ăn xa, giải pháp duy nhất là sau 3 hoặc 6 tháng phải về sinh hoạt lệ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.
Nhựt An