Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Cập nhật ngày: 25/07/2014 03:52:20
Đảng ủy xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự triển khai, thực hiện mô hình “Cán bộ, đảng viên chung tay giảm nghèo” (gọi tắt là mô hình), nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo trên địa bàn có được số vốn phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chuyên đề về “Phong cách quần chúng dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”; thực hiện chủ đề “Năm an sinh xã hội” và thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương, Đảng ủy xã tổ chức thực hiện mô hình với sự đóng góp trực tiếp của CB,ĐV trong toàn Đảng bộ xã.
Theo đó, đối với những đồng chí trong cấp ủy đóng góp 50.000 đồng/tháng, CB,ĐV đóng góp 25.000 đồng/tháng. Mô hình này nhằm giúp cho CB,ĐV nâng cao nhận thức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với những hành động cụ thể, thiết thực; đồng thời thể hiện tính tiên phong gương mẫu, tiết kiệm trong chi tiêu của mỗi đồng chí, để cùng với địa phương thực hiện công tác giảm nghèo. Đồng chí Lê Văn Ngừng - Bí thư Đảng ủy xã An Bình B, cho biết: “Trong những năm qua, mặc dù địa phương có nhiều quyết tâm, nhiều biện pháp để hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên, hộ nghèo của xã còn khá nhiều. Từ đó, chúng tôi thống nhất thực hiện mô hình để phần nào giúp cho hộ nghèo giảm bớt khó khăn, tạo thêm động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.
Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả, Đảng ủy xã chỉ đạo Ban Giảm nghèo chịu trách nhiệm công tác quản lý, thu, chi nguồn vốn và tham mưu cho Đảng ủy xã về công tác xét chọn đối tượng cần hỗ trợ. Sau khi đã xác định được đối tượng, các đồng chí trong Ban Giảm nghèo xuống tận nhà các hộ gia đình tiến hành khảo sát nhu cầu và định hướng các phương án như chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình. Ngoài ra, Đảng ủy xã còn chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống tận cơ sở hướng dẫn kỹ thuật cho người dân như: cách chọn cây, con giống, làm chuồng trại, chăm sóc... Qua một năm thực hiện mô hình đã xét hỗ trợ cho 14 gia đình với tổng số tiền 50 triệu đồng (hỗ trợ không hoàn lại).
Anh Dương Út Hiền thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, chủ yếu sống bằng nghề làm mướn. Tháng 6/2013, anh được xét hỗ trợ 3 triệu đồng từ nguồn vốn của mô hình. Sau khi nhận được số vốn, 2 vợ chồng anh quyết định thuê 1.000m2 đất trồng ớt. Khi thu hoạch xong, trừ chi phí, gia đình còn lợi nhuận gần 10 triệu đồng. “Gia đình tôi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 3 triệu đồng để làm vốn, khỏi vay bên ngoài lãi suất cao. Từ vốn này, gia đình sẽ cố gắng lao động vươn lên thoát nghèo” - chị Đào Thị Ngọc Tiền (vợ anh Hiền) cho biết.
Có thể thấy, mô hình đã thể hiện được tính tiên phong gương mẫu của CB,ĐV trong việc tiết kiệm chi tiêu hàng tháng để đóng góp vào nguồn vốn của mô hình, từ đó kịp thời hỗ trợ người nghèo, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Lê Thanh Hùng - cán bộ Tổ chức Đảng ủy xã An Bình B, cho biết: “Qua thực hiện mô hình, đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Tôi thấy mô hình này có ý nghĩa thiết thực và đồng tình hưởng ứng, đồng thời, vận động nhiều người cùng tham gia, tạo điều kiện cho Đảng ủy xã phát huy tốt hiệu quả mô hình”.
Dương Út