Chủ động khống chế không để các dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

Cập nhật ngày: 30/10/2018 14:39:52

ĐTO - Hiện nay, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, côn trùng phát triển là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát sinh, phát triển, dễ lây lan như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi... Vì vậy, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đề nghị các địa phương cần chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người dân phòng tránh các loại dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe.


Giáo viên Trường Mầm Non Anh Đào hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đề phòng bệnh tay chân miệng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, tính đến ngày 30/9/2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.556 trường hợp mắc SXH, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 39,8%, không có trường hợp tử vong. Riêng bệnh TCM xảy ra 2.467 ca mắc, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 44,4%. Tuy các bệnh truyền nhiễm như TCM , SXH trong các tháng đầu năm giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng bệnh xảy ra ở khắp các địa phương trong tỉnh, nguồn lây vẫn rất phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng.

Ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm KSBT tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra. Trong đó, Trung tâm tăng cường hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để lây lan ra diện rộng; kiện toàn các đội cơ động chống dịch bệnh, nhất là đầu tư trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý kịp thời các ổ dịch, cũng như hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh đến người dân.

Bác sĩ Dương Ân Hận – Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh cho biết, hiện nay, bên cạnh đẩy mạnh công tác giám sát ca bệnh, khống chế nguồn lây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh truyền nhiễm và biện pháp phòng bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được ngành y tế thực hiện. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn về dấu hiệu, tác nhân gây bệnh cũng như các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Chị H.T.H.L. ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình cho biết: “Thông qua báo, đài và cán bộ y tế xã, tôi biết được các biện pháp phòng, chống bệnh SXH và TCM, từ đó có sự chủ động hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con mình. Mỗi ngày, tôi đều dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà, diệt lăng quăng, thường xuyên cọ rửa đồ chơi và cho con ngủ mùng để phòng, chống bệnh SXH và TCM.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức người dân trong cộng đồng, thì trường học là 1 trong những điểm được ngành y tế chú trọng hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi theo học ở trường. Ngoài đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa hay SXH cũng được ngành y tế phối hợp với nhà trường chủ động phòng, chống.

Cô Hán Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào, TP.Cao Lãnh cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống bệnh cho học sinh trong trường học luôn được nhà trường quan tâm. Giáo viên duy trì dọn dẹp vệ sinh trong và ngoài phòng học vào thứ 6 hàng tuần; đồ dùng cá nhân của trẻ được sử dụng riêng biệt, trụng nước sôi hàng ngày để đảm bảo vệ sinh; cọ rửa đồ chơi bằng cloramin B; thực hiện ăn chín, uống chín, nhắc nhở và hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh”.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, không để bệnh lây lan, Trung tâm KSBT tỉnh đề nghị các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền về các dịch bệnh và cách phòng, chống cho cộng đồng và gia đình; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị chủ động cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm vắc-xin sởi; phát động chiến dịch thu gom phế thải, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng bệnh SXH...

Theo bác sĩ Dương Ân Hận, để phòng, chống bệnh trong thời điểm giao mùa, người dân cần thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh... Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín uống sôi, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; ngủ mùng, mặc quần áo dài đề phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đối với ngành y tế các địa phương cần chủ động giám sát ca bệnh thông qua báo cáo dịch khẩn cấp, báo cáo phần mềm bệnh truyền nhiễm trực tuyến, tuần, tháng, các bệnh lưu hành: SXH, TCM; giám sát chặt chẽ các bệnh có nguy cơ tái nổi như: sởi, rubella, cúm H1N1, các bệnh mới nổi và các bệnh truyền nhiễm nhóm A; phối hợp liên ngành y tế, giáo dục, phụ nữ để thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh TCM, SXH tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ và cộng đồng; tăng cường hoạt động giám sát ca bệnh, giám sát chặt chẽ những ổ dịch cũ, phát hiện sớm ca mắc đầu tiên và có kế hoạch khống chế tránh lây lan kết hợp Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực về công tác chẩn đoán điều trị cũng như điều tra xử lý dịch.

Bác sĩ Dương Ân Hận cho rằng, việc chủ động triển khai các biện pháp khống chế sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm của ngành y tế chỉ đạt hiệu quả cao khi có sự chung tay phòng bệnh bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân. Và việc chủ động tiêm chủng các loại vắc-xin ngừa bệnh là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe trong thời điểm dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh như hiện nay.

KIM NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn