Đặc điểm chung về bệnh do vi-rút Zika

Cập nhật ngày: 14/03/2016 12:58:40

Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền có thể gây thành dịch. Vi-rút Zika thuộc họ Arbovirus nhóm Flavivirida cùng nhóm với các vi-rút gây sốt xuất huyết. Vi-rút này được phát hiện đầu tiên trên khỉ vào năm 1947 tại rừng Zika thuộc Uganda. Sau đó, phát hiện trên muỗi Aedes tại nước này vào năm 1948. Năm 1952, ghi nhận trường hợp bệnh đầu tiên trên người tại Uganda và Tanzania.

Đường lây truyền do vi rút Zika

Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi mang vi-rút Zika đốt truyền vi-rút sang người lành. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes, chủ yếu là muỗi vằn Aedes aegypit - một loại muỗi phổ biến ở nước ta. Ngoài đường lây truyền là muỗi đốt, bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.

Biểu hiện của bệnh do vi rút Zika

Bệnh do vi-rút Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày, với các biểu hiện như: sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, đau khớp, mệt mõi và đau đầu (những triệu chứng thường tồn tại từ 2-7 ngày). Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, tuy vậy khoảng 60-80% trường hợp nhiễm vi-rút không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, hiện tại chưa ghi nhận trường hợp tử vong do nhiễm vi-rút Zika.

Cách phòng bệnh

Tại Việt Nam, hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika, tuy nhiên có nguy cơ cao vi-rút xâm nhập và lây lan thành dịch tại nước ta do có sự giao lưu thương mại, du lịch, người lao động làm việc trở về từ vùng có dịch, do điều kiện khí hậu ở nước ta hiện nay thuận lợi cho muỗi phát sinh và hiện tại nhiều quốc gia đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập, trong đó có các quốc gia rất gần với Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Hiện nay, bệnh do vi-rút Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh do vi-rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp sau:

Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành vi-rút Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Người dân sống trong khu vực lưu hành muỗi Aedes aegypit cần phòng muỗi đốt bằng cách bôi hóa chất đuổi muỗi, hoặc mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt, đóng các cửa để muỗi không vào nhà.

Phụ nữ mang thai nên được chăm sóc cẩn thận để tránh bị muỗi đốt.

Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

TT-TTGDSK

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn