Người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế:

Không có phân biệt đối xử

Cập nhật ngày: 14/07/2014 05:14:13

Vừa qua, tham gia Chương trình Đồng hành cùng nhân dân với chủ đề “Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế” (được phát trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Tháp), các diễn giả Chung Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, Nguyễn Ngọc Năm - Phó Giám đốc Sở Y tế, Nguyễn Hoàng Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã giải đáp được nhiều thắc mắc của nhân dân trong việc khám chữa bệnh (KCB) bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).


Trả lời có hay không việc một số người dân phản ánh có sự phân biệt đối xử giữa những người KCB có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, bà Chung Thị Thu Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, BHXH tỉnh cũng từng nhận được ý kiến của người dân cho rằng có sự phân biệt đối xử trong việc KCB BHYT. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các cơ sở KCB ở Đồng Tháp không có sự phân biệt trong việc KCB BHYT. Khi đến KCB, nhân viên y tế thường hay hỏi người bệnh có thẻ BHYT hay không, khi nghe hỏi, người dân cứ nghĩ rằng hỏi vậy là có sự phân biệt giữa người KCB bằng BHYT. Việc đặt câu hỏi này nhằm phân biệt xem ai là người tự trả chi phí KCB (người bệnh sẽ trả hay cơ quan BHXH sẽ trả). Nếu người có thẻ BHYT thì bệnh viện phải ghi mã thẻ BHYT để sau này thanh toán với cơ quan BHXH.

Liên quan đến vấn đề có người bệnh cho rằng người KCB bằng BHYT sẽ bị cơ sở KCB đưa thuốc rẻ tiền và hiệu quả điều trị không cao, bà Nguyễn Ngọc Năm - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, cán bộ y tế sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân đều theo quy định chung của Bộ Y tế (theo Thông tư 31/2011) ban hành danh mục thuốc để sử dụng cho các tuyến. Theo đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tùy theo tuyến điều trị mà sử dụng thuốc theo đúng quy định và thuốc cũng đấu thầu 1 “gói” chung, giá trúng thầu của các loại thuốc là giống nhau, thuốc này đưa về để phục vụ cho cả bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Mục đích của cán bộ y tế là chữa bệnh cho nhân dân, do đó nếu thuốc dùng điều trị đúng căn bệnh, giúp người bệnh mau hết bệnh thì cơ sở KCB cũng giảm tải người nhập viện và bà con trở về yên tâm để lao động sản xuất - đó là điều mà ngành y tế vô cùng mong muốn.

Trả lời câu hỏi: có bệnh nhân yêu cầu xét nghiệm cận lâm sàng hoặc những chỉ định dùng thuốc theo yêu cầu thì bác sĩ nói BHXH “không cho”, bà Chung Thị Thu Hà cho rằng bác sĩ trả lời với bệnh nhân như vậy là chưa đúng, vì Bộ Y tế có quy định việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật hay tuân thủ đúng các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật hay quy trình chăm sóc người bệnh, cơ quan BHXH không có quy định riêng nhưng cơ quan BHXH thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí theo đúng quy định của Bộ Y tế. Trường hợp bệnh nhân có yêu cầu làm xét nghiệm hoặc sử dụng những loại thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ thì các y, bác sĩ phải giải thích cho người bệnh rõ và người bệnh phải trả chi phí khi làm theo yêu cầu của mình.

Đối với việc đăng ký KCB ban đầu, bà Chung Thị Thu Hà cũng cho biết, theo quy định, mọi người được tự lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu từ tuyến huyện trở xuống (ở bệnh viện huyện, phòng khám khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn), đối với một số cơ sở KCB tuyến tỉnh thì Sở Y tế có quy định riêng cho việc đăng ký KCB ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Về việc để người dân an tâm hơn khi KCB bằng thẻ BHYT, theo bà Nguyễn Ngọc Năm, thời gian qua, ngành y tế đã triển khai rất nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh tham gia BHYT, như cơ sở KCB đã bố trí thêm bàn khám, bố trí các cán bộ hướng dẫn, phân công các bác sĩ khám phục vụ bệnh nhân vì số lượng bệnh nhân đến khám ở các cơ sở y tế hiện nay đa phần có thẻ BHYT (trên 70%). Tuy nhiên, về thái độ phục vụ của cán bộ y tế từng lúc, từng nơi chưa làm hài lòng bệnh nhân. Ngành cũng đã bổ sung ghế ngồi cho bệnh nhân, các cơ sở KCB đã thực hiện được việc bắt số tự động chứ không có sự phân biệt, ở những nơi nhận bệnh, các cơ sở KCB bố trí thêm quạt để bệnh nhân được thoải mái.

Quy trình thăm khám từ khâu nhận bệnh, phòng khám bệnh, các xét nghiệm cận lâm sàng, quầy nhận thuốc từng nơi cũng được ngành y tế chỉ đạo sắp xếp bố trí lại cho liên hoàn với nhau, lắp đặt những bảng biểu hướng dẫn giúp cho người dân đến khám được thuận tiện, rút ngắn thời gian KCB. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân (khám nhanh, thoải mái). Hướng tới ngành y tế tiếp tục chấn chỉnh để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho bệnh nhân có thẻ BHYT nói riêng và tất cả bệnh nhân nói chung.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn