Nghiên cứu để nâng cao hiệu quả điều trị
Cập nhật ngày: 01/01/2016 12:13:22
Năm 2015, BV đã nghiệm thu 22 đề tài và 1 sáng kiến cải tiến về quản lý y tế, điều trị và chăm sóc người bệnh.
Nhờ không ngừng nghiên cứu, các y, bác sĩ đã nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh
Bệnh viên Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp là BV trung tâm tuyến tỉnh hạng I. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức của BV luôn nỗ lực nâng cao tay nghề, rèn luyện y đức, đổi mới quản lý để ngày càng tối ưu hóa hiệu quả điều trị cho người bệnh, nhất là tìm tòi, khám phá, kiểm định những kiến thức mới, những học thuyết mới để thay thế dần những cái cũ không còn phù hợp.
Sử dụng surfactant trong điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng được áp dụng ở nhiều BV trên thế giới và ở Việt Nam cho hiệu quả cao. Bác sĩ (BS) chuyên khoa I Trần Quốc Lợi, Khoa Hồi sức nhi - Sơ sinh - BVĐK Đồng Tháp đã nghiên cứu việc bơm surfactant điều trị trẻ sơ sinh non tháng bệnh màng trong tại khoa để đánh giá hiệu quả của surfactant trong điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non. Từ tháng 4 đến tháng 8/1014, BS Lợi tiến hành bơm surfactant cho 10 trẻ sơ sinh non tháng bệnh màng trong. Trước khi bơm surfactant, các trường hợp có biểu hiện suy hô hấp nặng. Nghiên cứu của BS Lợi cho thấy sử dụng surfactant ở trẻ sơ sinh non tháng bệnh màng trong làm cải thiện chức năng phổi, giảm mức độ nặng của bệnh, giảm thời gian thở máy và giảm tỷ lệ tử vong. Từ đó, việc sử dụng surfactant để điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng phổ biến hơn tại BVĐK Đồng Tháp, với hiệu quả: cải thiện tỉ lệ tử vong; giảm chi phí điều trị (rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm viện,...); giảm được các biến chứng của bệnh màng trong gây ra (bệnh phổi mạn, tràn khí màng phổi, xuất huyết phổi, bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non,...); giảm được các trường hợp phải chuyển viện lên tuyến trên điều trị.
Mũ bảo vệ lấy dị vật thực quản dạ dày - tá tràng nguyên bản
Dị vật thực quản dạ dày - tá tràng (TQDD-TT) là một bệnh cấp cứu cần nhanh chóng lấy dị vật ra ngoài do có nguy cơ gây biến chứng như: abces, thủng, viêm trung thất, chảy máu... có thể gây tử vong. Dị vật thường gặp là: nhiều loại xương, những khối thịt, viên thuốc còn vỏ bọc, những con giun chui lên dạ dày... Để tránh gây thêm tổn thương trong quá trình lấy dị vật ra ngoài và lấy ra dễ dàng không bị rớt trở lại khi qua vùng hầu họng, lỗ tâm vị và lỗ môn vị nên phải có mũ bảo vệ (MBV) bằng cao su để thực hiện quá trình lấy dị vật.
MBV được khuyến cáo sử dụng đến khi chuyển sang màu khác thì phải hủy bỏ hoặc không quá 12 tháng vì không còn an toàn. Phần đuôi MBV chỉ dài 10mm kết hợp với độ dẻo của nhựa giảm do tái sử dụng nhiều lần trong 12 tháng nên bám không chặt vào đầu ống soi, có thể MBV bị rớt lại trong TQDD-TT tạo thêm dị vật mới.
Sau khi BS Lê Hùng Minh - BVĐK Đồng Tháp thử nghiệm lấy dị vật TQDD-TT bằng MBV được tái sử dụng từ đầu thắt tĩnh mạch thực quản (TMTQ) dãn thành công, BVĐK Đồng Tháp cho tiếp tục áp dụng thực tế thành công 41/41 trường hợp trong 12 tháng (từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2014).
Sáng kiến này đã đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ XII - năm 2014; giúp BV không bị động trong cung cấp trang thiết bị vì trung bình mỗi tháng có khoảng 5-6 đầu thắt TMTQ dãn đã sử dụng đem tái sử dụng làm MBV lấy dị vật. BS Hùng Minh chia sẻ: “Vào thời điểm tháng 10/2011, một MBV nguyên bản có giá 2.350.000 đồng. Từ khi chúng tôi tái sử dụng đầu thắt TMTQ dãn làm MBV đến nay, BV không cần mua MBV nguyên bản mới nên tiết kiệm chi phí đáng kể; lấy dị vật TQDD-TT an toàn giống như MBV nguyên bản, không xảy ra biến chứng”.
BVĐK Sa Đéc là BV tuyến tỉnh hạng II. Mỗi năm BV có trên dưới 30 đề tài nghiên cứu được nghiệm thu. Các đề tài nghiên cứu đã vận dụng những kiến thức, những hiểu biết vốn có hoặc tiếp thu được để cải tiến, sắp xếp, lý giải, tổng kết, đưa ra những luận điểm, giải pháp,...nâng cao hiệu quả.
Tái sử dụng đầu thắt tĩnh mạch thực quản dãn làm mũ bảo vệ lấy dị vật thực quản dạ dày - tá tràng rất hiệu quả
Nội khí quản khó là một vấn đề lớn của chuyên ngành gây mê hồi sức. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, tỷ lệ đặt nội khí quản khó (khó đặt hoặc không đặt được) dao động từ 0,04 - 2,3%. Không ai có thể lường được mức độ nguy hiểm của đặt nội khí quản khó. Hội Gây mê Hồi sức Hoa Kỳ (ASA) khuyến cáo dùng mặt nạ thanh quản như một cấp cứu đường thở trong bối cảnh không thể đặt nội khí quản, không thể thông khí bằng mặt nạ, thì mặt nạ thanh quản có thể được coi như một lựa chọn để thay thế ống nội khí quản trên những bệnh nhân (BN) có đường thở khó hay đặt nội khí quản khó trong cấp cứu hô hấp hay trong gây mê để phẫu thuật. Đề tài nghiên cứu cấp tỉnh của BS Lê Thị Thu Thành, Khoa Phẫu thuật - Gây mê Hồi sức, BVĐK Sa Đéc: “Vai trò của mặt nạ thanh quản để kiểm soát đường thở trong gây mê hồi sức”, thực hiện năm 2011và 2012 tại BVĐK Sa Đéc nhằm tăng cường khả năng kiểm soát đường thở, đặc biệt là đường thở khó trong gây mê hồi sức. Khi đó, mặt nạ thanh quản là một loại dụng cụ mới đối với chuyên ngành Gây mê Hồi sức tỉnh Đồng Tháp. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp gây mê toàn diện với thông khí bằng mặt nạ thanh quản Proseal là một phương pháp đơn giản, dễ thực hành, tỷ lệ đặt thành công cao (thời gian đặt trung bình là 13.10 ± 6.38 giây, 100% đặt thành công, 90% thành công ngay lần đặt đầu tiên); an toàn, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát tốt thông khí trong quá trình gây mê phẫu thuật; tính ổn định huyết động nổi trội so với nhóm sử dụng nội khí quản; mặt nạ thanh quản Proseal có thể phòng ngừa được hít sặc dịch vị khi có trào ngược xảy ra; giảm tai biến, biến chứng trong và sau phẫu thuật so với gây mê toàn diện qua nội khí quản. Kết quả thực hiện, phù hợp với kết quả nghiên cứu tại các BV ở TP.Hồ Chí Minh. Từ khi đề tài được công nhận đến nay, tại BVĐK Sa Đéc, mặt nạ thanh quản được xem là dụng cụ cấp cứu hô hấp hàng đầu trong xử trí cấp cứu nội khí quản khó, góp phần giảm chi phí do không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đột tử tim. 1/3 BN nhồi máu cơ tim cấp sẽ tử vong, ½ trong số những BN này tử vong trong giờ đầu. Tại BVĐK Sa Đéc cũng thường có BN NMCT; trong các biến chứng của NMCT có thể tử vong thì rối loạn nhịp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu, nên BS Ngô Văn Thuyền (chủ đề tài) và các thành viên: Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Thị Thanh Duyên, Hồ Thị Thu Hương BVĐK Sa Đéc thực hiện đề tài “Đặc điểm biến chứng rối loạn nhịp tim trong NMCT tại BVĐK Sa Đéc năm 2014”. Nghiên cứu này đã xác định các đặc điểm rối loạn nhịp trong NMCT, rút ra một số đặc điểm nổi bật có nguy cơ làm cho BN NMCT tử vong, từ đó giúp các BS tại bệnh viện nhận định, tiên lượng chính xác tình trạng bệnh để có hướng xử trí thích hợp (chuyển BN lên tuyến trên đối với những trường hợp NMCT cần phải đặt stent mạch vành cấp cứu - tái tưới máu bằng thông mạch vành can thiệp, hay giữ lại điều trị tại BV những trường hợp có thể điều trị nội khoa hoặc chưa cần đặt stent cấp cứu) để cải thiện chất lượng điều trị bệnh NMCT nói chung, nhằm giảm tỉ lệ tử vong do rối loạn nhịp ở BN NMCT. Kết quả thực hiện, phù hợp với kết quả các nghiên cứu trước đây ở các bệnh viện khác, phù hợp với y văn, đáp ứng được nhu cầu thực tế tại BVĐK Sa Đéc. Đề tài đã ứng dụng vào thực tế lâm sàng hàng ngày tại bệnh viện, giúp giải quyết một số trường hợp chuyển viện đúng chỉ định, tái tưới máu cho BN kịp thời, đồng thời cứu sống nhiều trường hợp NMCT; các trường hợp giữ lại điều trị tại BV cũng phù hợp, điều trị nội khoa tích cực đồng thời theo dõi những biến chứng xảy ra, tiên lượng biến chứng xảy ra tương đối chính xác nhằm giải thích cho thân nhân BN hiểu được tình trạng BN, ít gây tâm lý bất ngờ cho người nhà khi bệnh trở nặng...
Thành Nam
Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bệnh viện (BV). Từ những đề tài, sáng kiến của cán bộ, viên chức của các BV trong tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh; để các BV không bị tụt hậu, hòa mình với nền y học đang phát triển nhanh.
|