Thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản tạo nhiều chuyển biến tích cực
Cập nhật ngày: 16/05/2017 06:26:01
(Ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Tháp)
* PV: Ông cho biết những kết quả nổi bật nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 81, ngày 10/7/2012 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Tháp về kế hoạch hành động thực hiện chiến lược dân số (DS) và sức khỏe sinh sản (SKSS) Việt Nam giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 81)?
- Ông Lê Văn Hùng (L.V.H.): Trong tháng tư vừa qua, đoàn kiểm tra của HĐND tỉnh đã đến kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 81 tại huyện Tam Nông, Thanh Bình và Sở Y tế. Theo đánh giá, qua kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 81 và Kế hoạch 101, ngày 16/8/2012 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược DS và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh trong toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức: họp cơ quan, lồng hội nghị triển khai các văn bản, nghị quyết, chỉ thị; sinh hoạt chi, Đảng bộ, tổ, chi hội đoàn thể, họp lệ thường kỳ, định kỳ, sinh hoạt nhóm, truyền thông chuyên đề, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh ở các đơn vị, địa phương...
Qua đó đã duy trì được mục tiêu giảm sinh và tăng số đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai. Tổng số cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai năm 2011 là 240.455 trường hợp, đến năm 2015 là 259.615, tăng 19.160 trường hợp; tỷ suất sinh thô giảm từ 13,45‰ (năm 2011) còn 12,25‰ (năm 2015); tỷ lệ sinh con thứ ba từ 4,21% (năm 2011) giảm xuống 4,06% (năm 2015); tỷ lệ phát triển DS tự nhiên duy trì mức 0,97% (năm 2011) dao động lên 0,98% (năm 2015); giảm tỷ số giới tính khi sinh ở mức 106,20 bé trai/100 bé gái (năm 2011) xuống dưới mức 103,87 bé trai/100 bé gái (năm 2015)...
* PV: Nghị quyết số 81 đã tác động như thế nào đến các cấp, các ngành...?
- Ông L.V.H.: Các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 81 đã tác động mạnh mẽ và giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của chiến lược DS và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong tình hình mới; nâng cao ý thức trách nhiệm từng cấp, từng ngành về DS và SKSS.
Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Từ đó, đã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo nên chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách DS - KHHGĐ đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của mọi người dân ngày càng được nâng cao...
* PV: Những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 81?
- Ông L.V.H.: Tuy tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở mức thấp so toàn quốc và tổng tỷ suất sinh (TFR: 1,91 con/bà mẹ) đã dưới mức sinh thay thế, nhưng vẫn còn dao động do nhiều yếu tố tác động.
Trong đó có yếu tố hạn chế lớn nhất là tư tưởng phong kiến, nho giáo lỗi thời: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”; coi trọng việc sinh con đông, đẻ con dày là có phúc; phong tục, tập quán sinh con có trai, có gái còn ảnh hưởng nặng trong một bộ phận dân cư, nhất là các năm “tốt” theo quan niệm của dân gian; tư tưởng sinh con trừ hao đề phòng rủi ro vẫn tồn tại không ít trong nhân dân.
Mặc dù mức sinh có giảm nhưng chưa bền vững, quy mô DS của tỉnh còn ở mức cao và chương trình DS - KHHGĐ trong thời gian qua chỉ tập trung giải quyết căn bản vấn đề giảm sinh thông qua việc tăng số lượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai mà chưa quan tâm nhiều đến các khía cạnh khác của DS như: cơ cấu và chất lượng DS... Ý thức về chăm sóc SKSS, phòng, chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục còn hạn chế; phần đông DS phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ làm nông nghiệp nên khả năng viêm, nhiễm đường sinh sản còn cao.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, chậm sơ kết rút kinh nghiệm; công tác tham mưu của cơ quan chức năng đôi khi chưa kịp thời và công tác tuyên truyền, vận động của các ngành, đoàn thể chưa tập trung thường xuyên. Đội ngũ cán bộ công tác DS-KHHGĐ tuyến cơ sở chưa ổn định, còn thiếu và hạn chế về năng lực, kiến thức và kỹ năng truyền thông; chế độ, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên chưa động viên, khuyến khích đội ngũ này.
* PV: Để giải quyết những khó khăn, hạn chế vừa nêu chúng ta cần tập trung những vấn đề gì?
- Ông L.VL.H.: Ngành y tế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược DS và SKSS Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020, cũng như cần xem xét nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chính sách DS-KHHGĐ phù hợp với điều kiện phát triển - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh củng cố, ổn định tổ chức bộ máy tinh gọn và đầu tư công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt ưu tiên tuyến cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; xây dựng chính sách đồng bộ, thống nhất về chế độ đãi ngộ đối với lực lượng nhân viên y tế và cộng tác viên tình nguyện làm công tác DS-KHHGĐ ở khóm, ấp, khu dân cư; tăng cường kinh phí đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ của từng địa phương giai đoạn 2017 – 2020; duy trì ổn định, tạo điều kiện cho việc chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện từng năm, đáp ứng kịp thời và có hiệu quả chương trình DS - phát triển trong giai đoạn hiện nay.
* PV: Những định hướng chương trình DS-KHHGĐ tỉnh nhà trong thời gian tới?
Ông L.V.H.: Với mục tiêu đẩy mạnh vận động, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - phát triển; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng DS và phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa DS, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động thực hiện chiến lược DS và SKSS Việt Nam, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Chi cục DS-KHHGĐ định hướng tham mưu Sở Y tế tiếp tục thực hiện 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành của các nhóm đối tượng về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; không kết hôn sớm; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm góp phần nâng cao chất lượng DS.
Thứ hai, tăng cường hiểu biết và thay đổi hành vi về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo dư luận xã hội ủng hộ những người phát hiện, ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, góp phần giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thứ ba, nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành của các nhóm đối tượng về thực hiện hiệu quả chương trình KHHGĐ, giảm sự chênh lệch bất lợi về mức sinh giữa các đơn vị huyện, thị xã, thành phố, góp phần duy trì mức sinh thấp, hợp lý, ổn định qui mô trong địa bàn toàn tỉnh.
Thứ tư, tăng cường lồng ghép các vấn đề DS trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy lợi thế của cơ cấu DS vàng, thích ứng với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học để phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.
* PV: Xin cám ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)