Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - vì sao bổ nhiệm... vẫn sai?

Bài 2: Nhận diện cán bộ đủ tiêu chuẩn nhưng thiếu phẩm chất

Cập nhật ngày: 18/07/2025 08:54:47

Đó là những người có hồ sơ “đẹp”, bằng cấp “đủ”, nhưng lại thiếu cả năng lực thực chất lẫn phẩm chất đạo đức. Bằng tài “đánh bóng” bản thân, nắm bắt tâm lý tổ chức, lợi dụng kẽ hở để có thể “lách mình” qua các quy trình được xem là rất chặt chẽ, leo lên những vị trí quan trọng.

Bài 1: Cán bộ vừa “cất cánh” đã... “rơi”

Khi tiêu chuẩn trở thành chiếc mặt nạ

Công tác cán bộ vốn là vấn đề then chốt của sự nghiệp cách mạng, là nơi thể hiện rõ hình ảnh, uy tín của Đảng trong mắt Nhân dân. Những quy trình, quy định của Đảng đặt ra không ngoài mục tiêu phát hiện, lựa chọn đúng người “vừa hồng, vừa chuyên” để gánh vác trọng trách. Tuy nhiên, thực tế không ít trường hợp cán bộ từng được xem là “triển vọng”, “sáng giá” lại bị phát hiện sai phạm sau khi đã được đề bạt. Điều đó đặt ra câu hỏi nhức nhối: Phải chăng các quy trình tuyển chọn cán bộ chỉ còn mang tính hình thức?

Ở không ít nơi, thay vì phấn đấu rèn luyện bằng năng lực thực sự, một số cá nhân chọn cách “tô vẽ” hồ sơ, tranh thủ quan hệ, tạo dựng hình ảnh, hợp thức hóa tiêu chuẩn để “vượt ải”. Họ giỏi nịnh cấp trên, tránh va chạm, khéo lấy lòng, luôn xuất hiện với dáng vẻ giản dị, gần dân, chăm lo cơ sở... để gây thiện cảm với cấp dưới. Nhưng đằng sau lớp vỏ mẫu mực là một động cơ hoàn toàn khác: Chức tước, quyền lực, lợi ích. “Tiêu chuẩn”, lẽ ra là thước đo năng lực lại trở thành mặt nạ để che giấu sự thiếu hụt về tư tưởng, lý tưởng và đạo đức của không ít người. Và khi những người như vậy nắm quyền, công vụ dễ bị biến thành công cụ, cả bộ máy có thể bị thao túng vì một cá nhân.


Ảnh minh họa (Nguồn: vov.vn)

Một câu hỏi cần được làm rõ: Vì sao những người thiếu phẩm chất vẫn lọt qua được cả tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo đơn vị và cả hệ thống quy trình nhân sự vốn được xem là rất chặt chẽ?

Trên thực tế, theo cơ chế hiện hành, quyền quyết định nhân sự thuộc về tập thể cấp ủy, nhưng vai trò người đứng đầu, đặc biệt là bí thư cấp ủy mang tính định hướng rất lớn. Có ý kiến cho rằng, người đứng đầu có thể chi phối tới 95% công tác cán bộ, vì 3 lý do: Được quyền đề xuất, được phép vận động và có thể quyết định thời điểm đưa ra nhân sự. Do đó, với ứng viên đã được người đứng đầu “chọn mặt”, các thành viên khác trong tập thể thường là “ủng hộ”. Khi quyền lực không đi cùng trách nhiệm thì sự đồng thuận bề ngoài đôi khi lại là biểu hiện của sự buông lỏng kiểm soát.

Không thể “đo” đạo đức bằng hồ sơ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “đạo đức là gốc của người cách mạng”. Người nhấn mạnh: Không có đạo đức, dù tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. Tư tưởng đó càng có giá trị khi bộ máy hành chính đang được tinh gọn và bài toán nhân sự trở thành phép thử năng lực lãnh đạo, khả năng nhìn người của tổ chức đảng.

Một quyết định nhân sự sai có thể làm chệch hướng cả chiến lược, thậm chí kéo lùi chủ trương cải cách. Nếu lựa chọn cán bộ chỉ dựa trên hồ sơ, bằng cấp, thành tích “đóng gói”, thì dễ bị đánh lừa bởi vỏ ngoài. Ngược lại, nếu nhìn được vào hành vi, bản lĩnh, đạo đức và lý tưởng thông qua thực tiễn, sự dấn thân, tín nhiệm từ nhân dân và tập thể, thì mới có thể nhận diện được đúng người.

Tại buổi làm việc với Ban Tổ chức Trung ương ngày 27/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Nhân sự lãnh đạo các cấp trong giai đoạn mới phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng”. Để thực hiện tốt chỉ đạo này của Tổng Bí thư, không chỉ cần riêng quyết tâm chính trị, công tác cán bộ đòi hỏi một hệ thống đánh giá khách quan, toàn diện, liên tục; có khả năng nhận diện sớm dấu hiệu suy thoái và ngăn ngừa rủi ro.

Quá trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ cần lắng nghe nhiều chiều, từ cấp dưới, đồng nghiệp, người dân nơi cán bộ sinh sống; từ các tổ chức chính trị - xã hội và cả dư luận xã hội, đặc biệt là dư luận nhân dân. Bởi trong xã hội không ai tinh tường hơn nhân dân. Về đạo đức, không thể chỉ dựa vào báo cáo nhận xét mà phải kiểm chứng qua hành vi cụ thể, có giám sát của tổ chức và xã hội. Những điều nói trên không tìm được trong hồ sơ, mà phải tìm từ thực tế.

Đủ tiêu chuẩn là điều kiện cần, đủ phẩm chất mới là điều kiện đủ

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã kỷ luật, truy tố không ít cán bộ, xử lý nhiều vụ án lớn. Nhưng nếu không bịt được lỗ hổng ngay từ khâu lựa chọn, sai phạm sẽ tiếp tục tái diễn ở những người khác, hình thức khác, địa phương khác. Vì vậy, chọn đúng cán bộ không chỉ là yêu cầu chuyên môn, đó là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là cách Đảng ta giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân.

Người dân có thể tha thứ cho cán bộ chưa giỏi, nhưng sẽ không tha thứ cho cán bộ giả dối, tha hóa, suy thoái. Đủ tiêu chuẩn chỉ là điều kiện cần. Còn đủ phẩm chất, đặc biệt là đạo đức và lý tưởng mới là điều kiện đủ. Cán bộ không chỉ cần giỏi mà còn phải biết giữ mình, thực sự là người “cần, kiệm, liêm, chính”, biết tự trọng, biết xấu hổ khi được khen mà không xứng, biết rời ghế khi không còn xứng đáng. Chỉ khi tiêu chuẩn và phẩm chất song hành, đội ngũ cán bộ mới thật sự là “gốc rễ” vững chắc của Đảng và chế độ.

(còn nữa)

Theo Nhóm Phóng viên (QĐND)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn