Từ chức - “khó” trở thành văn hóa từ chức

Cập nhật ngày: 14/07/2024 05:37:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240714053833dt2-1.mp3

 

ĐTO - Sau thời gian “im hơi lặng tiếng”, việc từ chức và văn hóa từ chức lại tiếp tục được quan tâm trong một số nhóm của cộng đồng xã hội Việt Nam. Đây là vấn đề không mới. Nhưng gần đây, vài vụ “hạ cánh” đã làm cho việc từ chức và văn hóa từ chức trở nên không rõ ràng và “khó” trở thành hiện thực. Do vậy, việc tìm hiểu về từ chức và văn hóa từ chức trở nên cần thiết.

Trước hết, chúng ta cần hiểu qua về chức, từ chức và văn hóa từ chức để có thể hiểu sâu hơn về nội dung của vấn đề. Chức vụ là khái niệm chỉ vị trí, địa vị, vai trò của một cá nhân trong một tổ chức. Chức vụ thường gắn liền với quyền hạn và trách nhiệm của người đảm nhiệm chức vụ. Người có chức vụ là người được bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Còn từ chức nói chung là hành động tuyên bố từ bỏ chức vụ mình đang đảm nhận. Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ (chưa hết thời hạn bổ nhiệm). Khi nói đến văn hóa là đề cập đến giá trị trong ứng xử. Theo đó, văn hóa từ chức được hiểu với 2 nghĩa: Thứ nhất, là những ứng xử dựa trên lương tri, lòng tự trọng khi thấy mình mắc khuyết điểm, lỗi lầm, thấy không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ hiện tại. Thứ hai, là hành vi của cá nhân tự nguyện rời bỏ vị trí lãnh đạo, cầm quyền của mình cho người khác có khả năng hơn nhằm đảm bảo lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Văn hóa từ chức thể hiện bản lĩnh, dũng khí, sự khẳng khái của các chủ thể chính trị.

Qua các khái niệm nói trên và thực tiễn chính trị, chúng ta có thể hình dung độ “khó” của từ chức nói chung và văn hóa từ chức nói riêng. Ở đây, chúng ta xem xét trên vài phương diện:

Thứ nhất, chức vụ là quyền lực mang dấu ấn giá trị

Chức vụ là vị trí, địa vị, vai trò của một cá nhân trong một tổ chức được gắn liền với quyền và trách nhiệm theo thẩm quyền của tổ chức. Một tổ chức được xã hội giao quyền đến mức nào thì những người có chức vụ sử dụng thẩm quyền của nó (chưa nói việc lạm quyền và lộng quyền). Như vậy, chức vụ là một quyền lực mà quyền lực này do Nhân dân trực tiếp hay gián tiếp giao cho. Và do đó, chức vụ mang dấu ấn giá trị vừa của cá nhân vừa của tổ chức đó. Chức vụ Chủ tịch Nước chắc chắn có giá trị cao hơn chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Người giữ chức vụ càng phấn đấu để được bầu hoặc được bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Theo đó, ở mỗi chức vụ (vị trí việc làm) có những quyền, chế độ được hưởng, mức lương... Do vậy, với lẽ thường tình, con người muốn giữ chức chứ không muốn từ chức (chưa bàn những kẻ ham muốn quyền lực - “tham quyền cố vị”). Cả đời cố gắng học tập và rèn luyện để được tổ chức và xã hội tin cậy giao những trọng trách lớn hơn. Việc từ bỏ chức vụ là một sự “bất đắc dĩ”.

Thứ hai, chức vụ là công việc

Điểm rất quan trọng nhưng ít được bàn về chức vụ chính là công việc. Chức vụ bản thân nó là công việc, là trách nhiệm đối với tổ chức hay xã hội. Đối với mỗi người, việc làm là rất quan trọng. Dân gian ta có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”. Lao động là một nhu cầu, niềm vui, hạnh phúc và cảm thấy vinh quang đối với nhiều người. Từ bỏ chức vụ là mất việc. Đối với những người không dễ tìm và thích ứng với việc khác thì mất việc là sự hụt hẫng lớn trong cuộc đời. Những người ấy sẽ trăn trở, cân nhắc về hệ lụy của việc từ bỏ chức vụ.

Thứ ba, người giữ chức vụ không nhận ra lỗi

Bản chất của từ chức chính là người có chức nhận ra lỗi của mình gây ra hoặc thấy được sự vượt trội của người khác. Đối với phần đông con người, việc hiểu mình trong hào quang của quyền lực được trao là không dễ. Hơn nữa, với các cơ chế của tổ chức, lỗi của người nắm chức vụ đôi khi không phải chỉ phần riêng của người ấy, nhất là đối với đơn vị thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ những điểm ghi nhận, chúng ta thấy rằng việc từ chức là khó và đối với xã hội Việt Nam, việc từ chức sẽ chưa trở thành văn hóa từ chức trong tương lai gần. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, các nhà sử học chỉ ghi chép, ca ngợi đối với những người nổi danh đã từ chức như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp... Từ khi Đảng ra đời và cầm quyền, một số cán bộ mà tiêu biểu là Cố Tổng bí thư Trường Chinh đã từ chức. Nhưng nhìn chung, nét văn hóa từ chức chưa có nền tảng vững chắc và trở thành phổ biến, trở thành “tự nhiên”. Ngay gần đây, vài lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xin từ chức vì “chịu trách nhiệm của người đứng đầu” nhưng vẫn chưa trở thành “gương” đối với những người có chức vụ vi phạm tự nhận ra được lỗi để tự nguyện từ chức.

Việt Nam chắc hẳn không là ngoại lệ trong việc khó từ chức đâu! Chức vụ gắn liền với quyền lực và giá trị, ẩn chứa nghề nghiệp và sự nhận thức cá nhân của người có chức vụ đối với lỗi của mình. Khi mỗi người nói chung và người có chức vụ nói riêng thấu hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm và bổn phận của mình trong mối quan hệ với tổ chức và xã hội, họ mới sẵn sàng nhận chức hay từ chức. Ở đây, trí tuệ minh mẫn và dũng khí của người có chức vụ được thể hiện và tỏa sáng. Và với sự tán thành của số đông, việc từ chức trở thành lẽ sống và khi ấy chính là văn hóa từ chức.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn