Nỗi buồn bóng đá đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 14/09/2016 15:56:49

Bóng đá thời bao cấp, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng tự hào với những trận cầu “đinh” đậm chất địa phương như: Đồng Tháp gặp Thể Công, An Giang gặp Phú Khánh hay Tiền Giang với Cảng Sài Gòn... Các trận đấu luôn là cuộc biểu dương lực lượng, là cuộc sống tinh thần của người dân miền sông nước. Thế nhưng, trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN), nhiều tượng đài vang bóng một thời như: Thép Pomina Tiền Giang, Hùng Vương An Giang hay Kiên Long Bank Kiên Giang không thể chịu nỗi sức ép “kim tiền” của bóng đá thị trường để phải giải tán hoặc trở về với bóng đá phong trào.

Với tiêu chí bắt buộc Câu lạc bộ (CLB) bóng đá phải là doanh nghiệp quản lý, mô hình doanh nghiệp nhà nước đồng hành đã va vấp về sự quản lý ở cấp thượng tầng mang tính kiêm nhiệm, chưa chí cốt với bóng đá và thực chất cơ chế tài chính vẫn nặng tính “xin- cho”. Gần đây mô hình doanh nghiệp cổ phần, bước đầu đã thể hiện sự năng động về ý tưởng kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo... Tuy nhiên, doanh nhân hay ông chủ CLB đôi khi chỉ đến với bóng đá bằng sự gượng ép hoặc ý chí chủ quan thì khi cổ đông gặp rủi ro thoái lui là nguồn kinh phí đầu tư cho bóng đá sẽ gặp trở ngại dẫn tới nhiều hệ lụy nhạy cảm làm ảnh hưởng đến sự nghiệp bóng đá của địa phương.

Thực trạng khắc nghiệt của BĐCN, khi chứng kiến Đồng Tháp với bề dầy truyền thống nhưng sau nhiều lần lên và xuống hạng, hiện đang chấp nhận phải trở về với giải hạng nhất. Bóng đá Long An chuyên nghiệp gắn với tên gọi Đồng Tâm Long An, nhưng hiện tại cũng chật vật với mục tiêu đá trận play off để giữ hạng V.League. CLB bóng đá Cà Mau vừa được lên thi đấu giải hạng Nhất năm 2015 nhưng hiện tại đã không trụ được, buộc phải trở lại với đẳng cấp hạng nhì. Đau buồn hơn, CLB Vĩnh Long tại sân chơi giải hạng nhì phong trào cũng thất bại cay đắng để nói lời chia tay, xuống thi đấu ở giải hạng ba Quốc gia.

Thực tế bóng đá ĐBSCL sẽ rất khó khăn khi chưa có được nhà tài trợ đủ mạnh để chống lưng như Hà Nội T&T, FLC Thanh Hóa hay Becamex Bình Dương... Khi nguồn tài chính không ổn định thì kế hoạch chuyên môn đầu tư dài hơi cho đội bóng cũng trở ngại. Thành tích thi đấu yếu kém không đáp ứng sự mong đợi thì việc kinh doanh bóng đá là không khả thi, thậm chí còn làm tổn thương hình ảnh của doanh nghiệp và CLB.

Nguyên nhân bài toán tài chính khó khăn, kéo theo việc chảy máu tài năng của địa phương liên tục diễn ra và ngay cả nguồn lực đầu tư cho bóng đá trẻ để kịp thời bổ sung cho CLB cũng phá sản. Hậu quả, hàng năm, CLB phải chi tiền mua sắm cầu thủ tốn kém nhiều tỷ đồng mà bản sắc đội hình thi đấu cũng phai nhạt và tình yêu, nguồn cảm hứng của người hâm mộ cũng mất đi mỗi khi đến sân.

Trước xu thế hội nhập toàn cầu, việc chuyên nghiệp bóng đá để phát triển là tất yếu. Thế nhưng với quan điểm “Lấy bóng đá để nuôi bóng đá” khi mà những điều kiện cơ bản và những rào cản không được giải quyết đồng bộ như bản quyền truyền hình, xổ số bóng đá, quyền bảo hộ thương hiệu CLB và chính sách thuế... thì việc kinh doanh bóng đá để tái đầu tư là không khả thi.

Trong điều kiện kinh tế xã hội của ĐBSCL, hiện nay, CLB bóng đá chưa đủ sức thuyết phục được nhà đầu tư tài trợ có đủ tiềm lực để chống lưng cho BĐCN. Thiết nghĩ, trước mắt bóng đá ĐBSCL cần biết chấp nhận sự hụt hẫng để tập trung cho phát triển bóng đá cộng đồng nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội. Song song đó, cần xác định lại giá trị nền tảng để phát triển bóng đá học đường tạo nên bệ phóng vững chắc cho phong trào bóng đá năng khiếu. Đặc biệt quan trọng hơn là phải kêu gọi xã hội hóa đầu tư chăm lo các điều kiện nhằm đảm bảo công tác đào tạo cầu thủ bóng đá trẻ của địa phương đáp ứng được sự kế thừa tài năng cho BĐCN.

Nhiều bài học đã được rút ra từ sự nóng vội, bóng đá miền sông nước rất cần tìm sự thăng bằng với những giá trị bền vững, để tạo ra sức bật “dậy sóng” trong tương lai.

Trường Thư

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn