Cải thiện chỉ số PAPI cấp tỉnh

Cập nhật ngày: 30/09/2013 04:37:54

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ giám sát thực thi chính sách được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CEDODES), và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam.


Sát hạch kiến thức chuyên môn công chức cấp xã để cải thiện chỉ số PAPI

Là bộ chỉ số tổng hợp dựa trên thực chứng khách quan và khoa học nhằm đo lường trải nghiệm của người dân về hiệu quả và chất lượng của công tác quản trị, điều hành, hành chính của Nhà nước và cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh.

Nghiên cứu xây dựng chỉ số PAPI bắt đầu được thực hiện thí điểm vào năm 2009 tại 3 tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Đà Nẳng và Đồng Tháp. Trong năm 2010, nghiên cứu được triển khai mở rộng ra 30 tỉnh, thành phố với sự tham gia của 5.568 người dân được chọn ngẫu nhiên trên toàn quốc, tập trung vào nhiều lĩnh vực liên quan đến công tác quản trị và hành chính công ở địa phương. Năm 2011, nghiên cứu PAPI được thực hiện ở 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, với sự tham gia chia sẻ trải nghiệm và ý kiến của 13.642 người dân. Đây là bức tranh tổng quát về kết quả khảo sát và phát hiện từ nghiên cứu về các lĩnh vực nội dung và nội dung thành phần được PAPI đo lường.

Hồ sơ này trình bày bảng biểu hiển thị kết quả khảo sát và phát hiện của nghiên cứu PAPI về tỉnh, thành phố, đồng thời so sánh với các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, trung vị và thấp nhất. Qua hồ sơ này chính quyền tỉnh, thành phố có thể tìm hiểu đánh giá của người dân về hiệu quả công tác của địa phương, qua đó xác định những lĩnh vực đã làm được hoặc cần cải thiện, đồng thời tìm ra những thực tiễn tốt từ những địa phương khác để học hỏi và rút kinh nghiệm.

PAPI tập trung nghiên cứu 6 lĩnh vực nội dung cụ thể có mối quan hệ hỗ tương liên quan đến quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh, đó là: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Trong 6 trục nội dung này có 22 nội dung thành phần và 92 chỉ số thành phần.

Năm 2012 là năm thứ 2 nghiên cứu PAPI được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia chia sẻ trải nghiệm và ý kiến của 13.747 người dân. Tại tỉnh Đồng Tháp, PAPI chọn mẩu khảo sát ngẫu nhiên người dân tại 6 xã của 3 huyện với 202 phiếu điều tra, trong đó có 100 nam và 102 nữ. Kết quả khảo sát năm 2011, chỉ số PAPI có trọng số, Đồng Tháp xếp hạng 20/63 tỉnh, thành cả nước, 4/13 tỉnh, thành của khu vực; năm 2012 xếp hạng 48/63 cả nước, 8/13 khu vực; chỉ số PAPI chưa có trọng số, năm 2011 Đồng Tháp xếp hạng 16/63 tỉnh, thành cả nước, 3/13 khu vực; năm 2012 xếp hạng 50/63 tỉnh, thành cả nước, 8/13 khu vực. Trong đó có những chỉ số thành phần được xếp hạng rất thấp như chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở năm 2012 xếp hạng thứ 62/63 tỉnh, thành cả nước, 13/13 tỉnh, thành khu vực; tính công khai, minh bạch xếp hạng 49/63 cả nước, 5/13 khu vực; cung ứng dịch vụ công xếp hạng 44 cả nước, hạng 9 khu vực.

Để nâng cao chỉ số PAPI, trong thời gian tới tỉnh Đồng Tháp đề ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của chỉ số PAPI. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, rà soát các tiêu chí thành phần của chỉ số PAPI năm 2012 của tỉnh, qua đó xác định nguyên nhân những hạn chế, yếu kém để có kế hoạch khắc phục. Người đứng đầu các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ số PAPI; đặc biệt là việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. UBND các cấp chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đi vào thực chất, đúng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Bãi bỏ ngay việc bắt buộc các tổ chức, công dân phải thực hiện các khoản đóng góp mang tính tự nguyện. Thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu chi ngân sách cấp xã. Thực hiện công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải thiện hiệu quả hoạt động ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư công cộng... Triển khai mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt các quy định vể tuyển dụng công chức; tăng cường công tác giải quyết các thủ tục hành chính; cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, an ninh, trật tự, môi trường...

Cải thiện chỉ số PAPI cấp tỉnh là vấn đề rất quan trọng và lâu dài, cần sự tham gia vào cuộc thực sự với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở để người dân cảm nhận được chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.

TP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn