Câu chuyện "Mỗi bước ta đi"
Cập nhật ngày: 28/04/2020 14:42:45
Cứ đến ngày 30 tháng 4 lịch sử, từ trong sâu thẳm tâm khảm nhiều người lại âm vang khúc tráng ca: “Mỗi bước ta đi trên đường quê tiếng ca thêm rộn ràng. Ánh dương đang bừng lên, bóng đêm đang lùi xa”. Bóng đêm đã lùi xa rồi. Ánh dương đã bừng lên kể từ ngày hào hùng ấy của dân tộc rồi! “Đẹp lắm chứ, anh hùng lắm chứ. Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang”. Thời đại mới đã mở ra. Vận hội mới đang đón chào!!!
Lịch sử luôn là một dòng chảy liên tục. Quá khứ “đắp nền” cho hiện tại. Hiện tại “vun xới” cho tương lai. Lịch sử không bị cắt đoạn, hôm nay vẫn còn kéo dài câu chuyện của ngày hôm qua. Tương lai vẫn lưu dấu quá khứ trên từng đường quê, ngõ xóm. Quá khứ rồi vẫn sẽ có mặt trong tương lai. “Chỗ này ngày xưa”, “Hồi đó ở đây”, “Anh ấy đã anh dũng hy sinh ngay chỗ này”... là những câu mà chúng ta vẫn thường được nghe hàng ngày đâu đó... Thế hệ hiện tại vẫn không quên ngày xưa, không phủ định quá khứ. Biết bao xương máu ông cha đã đổ xuống mảnh đất này! Dòng máu đỏ của quá khứ vẫn đang tiếp tục chảy trong huyết quản của những người hôm nay và ngày mai. Tự hào là người Đồng Tháp trong quá khứ để tiếp tục tự hào là công dân Đất Sen hồng hôm nay. Ngày xưa chung tay thắng “kẻ thù hữu hình”, thì thế hệ hôm nay lại tiếp tục chung tay thắng “kẻ thù vô hình” đâu đó và ngay trong mỗi người...
“Mỗi bước ta đi” đâu bỗng dưng là có hào quang chiến thắng, mà phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ. “Mỗi bước ta đi” đâu chỉ là những khúc tráng ca, mà còn đánh đổi bằng khúc bi tráng “Hồn tử sĩ”, bằng những mất mát, ly tán của biết bao gia đình. “Mỗi bước ta đi”đâu chỉ có những chiến công oai hùng của người cầm súng, mà còn đánh đổi bằng cuộc sống thời bình của bao người năm xưa cầm súng, bao người có công với đất nước, với nhân dân. “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”! Mà đâu chỉ là “đắng cay”, “bát cơm hòa bình” hôm nay còn có cả “nước mắt” và cả “máu xương” trên “mỗi bước ta đi” của cha anh chúng ta ngày hôm qua. Cái được quá lớn được đánh đổi bằng cái mất cũng khó có gì so sánh được!!!
Hôm nay, ngồi nhìn quanh quẩn đây đó mỗi người thấy rằng chắc còn nhiều việc chưa hài lòng, thậm chí là nặng lòng. Dẫu biết rằng, trong chừng mực nào đó, chính sự không hài lòng là điều kiện kích thích sự hoàn thiện hơn. Nhưng sao bỗng thấy ray rứt về một món nợ đối với người đi trước, với người đã nằm xuống trong lòng đất mẹ, với những người đang sống mà lắm nỗi nhọc nhằn. “Kẻ thù hữu hình” thì đã gục ngã dưới “mỗi bước ta đi” rồi, nhưng “kẻ thù vô hình” - sự tụt hậu - thì vẫn còn đó. Ngày xưa “mỗi bước ta đi” kẻ thù run sợ, nhưng ngày nay “mỗi bước ta đi” là mỗi bước đối mặt với muôn vàn thách thức với kẻ thù dấu mặt, có khi lẩn khuất ngay trong lòng mỗi người. “Ngày xưa”, dễ đồng lòng với nhau, đồng cam cộng khổ, vào sống ra chết, vì một mục tiêu duy nhất là giành độc lập cho dân tộc. “Ngày nay”, sự giằng xé bởi lợi ích cá nhân dẫn đến thiếu hợp tác nên lại trăm bề khó khăn.
Năm xưa, “mỗi bước ta đi” trên đường chiến thắng bằng khát vọng cả dân tộc, bằng “Lời hịch rền vang sông núi”. Ngày nay, hơn bao giờ hết, muốn giàu có lại cần đến khát vọng trong mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi địa phương để hội tụ thành khát vọng của cả dân tộc. Khát vọng đó, để nối kết lòng người với lòng người, để “Hợp quần nên sức mạnh”. Khát vọng đó, để mỗi người biết vượt qua định kiến hẹp hòi để đóng góp cho xã hội thay vì thờ ơ, vô cảm. Khát vọng đó để tạo ra “Nhân hòa” trong mỗi cộng đồng làng xóm đến người dân mỗi địa phương. Có ai đó đã giải thích “nước nhà” thì “nước” phải được đặt trước “nhà”, không biết có phải vậy không?!? Nhưng để có Đại thắng mùa Xuân thì bao thế hệ người đã đặt hai chữ “nợ nước” lên trước hai chữ “thù nhà”!!!
Ngày xưa chiến đấu là để trả “nợ nước” thì có phải hôm nay sống là để trả “nợ đời”? Mỗi người đâu thể một mình là cả thế gian, đâu chỉ có mình mình mà không có muôn vàn các mối quan hệ xã hội. Đã quan hệ thì sao tránh khỏi vay trả, nợ nần - Nợ áo cơm, nợ ân tình! Nợ người đã biết, nợ người chưa từng gặp mặt. Nợ người còn sống, nợ người đã khuất. Nợ có thể trả bằng vật chất, nợ có thể trả bằng hành động. Có những món nợ trả một lần là xong, nhưng có những món nợ phải trả cả đời. Mà nợ áo cơm có khi còn cả đời không trả hết, huống chi là nợ ân, nợ nghĩa!?!
Tương lai bắt nguồn từ quá khứ. Quá khứ còn vang vọng mãi trong tương lai, trên “mỗi bước ta đi”. “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đường đi không khó, mà khó vì thiếu “sự đồng lòng cất bước” của đoàn người! Nhưng người Đất Sen hồng đã đồng lòng làm được, đang đồng lòng làm được và chắc chắn sẽ tiếp tục đồng lòng để đi đến bến bờ thịnh vượng bằng cả sức lực và tâm hồn một triệu sáu người dân Đất Sen hồng. Đó là cách chúng ta nghĩ về quá khứ hào hùng. Đó là cách chúng ta “trả nợ” với những người đã nằm xuống, những người đang sống mà vết thương chiến tranh vẫn chưa lành!!!
Xích Lô