Con số, số biết nói, số “hết nói”
Cập nhật ngày: 11/11/2020 14:28:42
Con số nói riêng hay dữ liệu nói chung là cơ sở quan trọng cho các nhận định, đánh giá và phán đoán. Trên nền tảng này và tiên liệu các yếu tố liên quan, mỗi chủ thể đưa ra quyết định hoặc xây dựng kế hoạch cho hành động. Như vậy, các quyết định hay kế hoạch như thế nào bắt nguồn hay phụ thuộc vào con số. Nhưng con số không phải lúc nào cũng biết nói và trong nhiều trường hợp lại “hết nói”. Do vậy, chúng ta dành ít thời gian tìm hiểu, suy tư về con số có thể có ích một phần nào đó.
Sẽ không thừa khi nhắc lại, con số là kết quả quan sát (được ghi chép, tổng hợp) bằng số về các hiện tượng và dữ liệu bao gồm những mệnh đề phản ánh thực tại. Con số (xin được gọi chung cả dữ liệu) là một nguồn “vật liệu” để chủ thể (cá nhân, chủ hộ, thủ trưởng hay tập thể lãnh đạo một đơn vị) tạo thành “sản phẩm”. Như vậy, quyết định chỉ đúng khi dựa vào con số đúng. Dù có hay không có chủ ý, chủ thể ra quyết định bao giờ cũng phải hiểu rõ số liệu. Một chủ hộ phải biết số lượng thành viên trong gia đình và khoảng thu nhập hiện và sẽ có để tính chi phí cho mỗi loại từ chi ăn, chi học của những đứa con, chi xây cất nhà cửa, chi đi lại, chi tiệc tùng... Rộng hơn, một tổ chức phải nắm được số liệu cần có liên quan với tổ chức của mình mới hình dung được kế hoạch mà nó giúp hành động thành công trong tương lai. Chẳng hạn như một tổ chức chính trị, những người lãnh đạo phải nắm chắc số liệu thành viên của tổ chức mình, hiểu rõ bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ, tỷ lệ phần trăm trên dân số hay trên số người trong độ tuổi mà tổ chức mình mời gọi gia nhập. Ở những lĩnh lực phức tạp hơn (các ngành kinh tế - xã hội), các cơ quan phải tiến hành điều tra, phân tích công phu, khoa học để có được những con số chính xác làm luận cứ cho các quyết sách. Rất rõ ràng, con số vô cùng hữu ích. Bản thân con số và qua việc sử dụng nhiều phương pháp, chủ thể có thể làm cho con số “biết nói”. Làm cho con số “biết nói” chính là nâng giá trị của con số thông qua phân tích, so sánh, nhận diện nhiều mặt về nó. Bằng việc phân tích số lao động trong độ tuổi lao động chiếm nhiều hơn tổng dân số, người ta thấy rằng đó là thời của “dân số vàng”. Cùng với năng suất lao động, giai đoạn này sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm cho xã hội trong khi những chi phí khác ít hơn. Ngược lại, nếu người cao tuổi (ở nước ta, tính từ 60 tuổi trở lên) chiếm một tỷ lệ cao trong dân số thì được cho là “dân số già”. Xét về mặt kinh tế và xã hội, dân số già sẽ có nhiều hệ lụy.
Giá trị của con số bởi bản thân nó và vì “biết nói”, nhưng nó cũng được ghi nhận “giá trị” khi không nói được gì hoặc như cách diễn đạt đời thường là “hết nói nổi”. Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà chủ yếu là động cơ không trong sáng, chủ thể đã làm nên những con số đẹp, số dỏm và cả việc số lượng thì đúng nhưng không thực chất. Chính những con số trong các trường hợp vừa nêu có tác hại khôn lường. Được biết dưới thời của chính quyền Thiệu trước đây, các báo cáo ghi nhận hơn 1 triệu quân. Con số thống kê trong danh sách là thế nhưng thực tế lại có “lính kiểng” (là lính thật nhưng không ra trận) và “lính ma” (nằm trong danh sách nhận lương nhưng không có người thật). Chưa bàn đến tính chính nghĩa của cuộc chiến và tinh thần chiến đấu của đội quân, thực lực không có thì sao có thể làm chủ trận địa. Vào thời kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, từ sau năm 1975 - 1986, phong trào xây dựng hợp tác xã phát triển rầm rộ với con số 76.000 thu hút hơn 20 triệu xã viên, nhưng sau đó không còn được bao nhiêu hợp tác xã còn đúng “tính chất”. Từ góc độ khác của thông tin mà ta biết, ông Bộ trưởng giáo dục của Campuchia đã không đồng ý với cách đánh giá để công nhận số học sinh nước này tốt nghiệp trên 80%. Và sau khi thực hiện quy trình nghiêm túc, năm học kế tiếp chỉ ghi nhận số ấy là 23%. Trên cơ sở đánh giá này, ông đã có nhiều đề xuất chấn hưng nền giáo dục nước nhà và có nhiều dấu hiệu tiến bộ sau đó. Nhìn về “quá khứ” và xem qua nước bạn, những người quan tâm thời cuộc không khỏi băn khoăn về những con số quá “tròn trịa”, “số đẹp” ở đây đó trong một số văn bản của khá nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị hiện nay. Những con số như GDP (ở địa phương là GRDP), GDP bình quân trên đầu người, cơ cấu nền kinh tế, tỷ lệ lao động, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ dùng nước sạch, số lượng thành viên của tổ chức... Ngay những con số được cho là không sai lệch như số cán bộ, công chức có chứng chỉ tin học và bằng cấp ngoại ngữ cũng bị nghi ngờ sự không “biết nói” của nó. Khá nhiều những con số được nêu lại là cơ sở cho việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu cho những năm tới của cơ quan lãnh đạo từng cấp. Ngược lại, có một vài con số biểu đạt sự “hết nói nổi” như đầu tư xây dựng khẩu hiệu mà mỗi chữ phải chi tiêu 1 tỷ đồng ở một tỉnh nọ, tình trạng đội vốn đầu tư hơn 1,5 lần đối với dự án vừa phê duyệt, tăng giá hơn bốn lần với gói thầu mua sắm vật tư phòng, chống COVID-19, dự án chống một số điểm ngập để còn một điểm ngập (ngập toàn thành phố), 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công-Thương lũy kế mất 26,3 nghìn tỷ...
Chưa đề cập đến sự mong muốn tốt đẹp và việc thiếu tiên liệu những trở ngại luôn tồn tại mà chủ thể xây dựng những ý tưởng cao xa so với con số thực, những giá trị và phản giá trị từ con số sẽ nhắc nhở các chủ thể phải tôn trọng con số và những gì “chúng nó” muốn nói.
Nguyễn Văn Biết