Đầu xuân gặp gỡ những đảng viên tiêu biểu
Cập nhật ngày: 12/02/2016 06:34:37
Đảng viên Trương Vạn Năng: 70 năm theo Đảng
Bộ sưu tập thành tích do Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho đồng chí Trương Vạn Năng
Đồng chí Trương Vạn Năng (SN 1928) hiện đang sinh sống tại phường 2, TP.Cao Lãnh. Năm 2015, đồng chí Năng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Năm 17 tuổi, đồng chí Trương Vạn Năng bắt đầu bí mật tham gia hoạt động cách mạng. 18 tuổi (năm 1946), đồng chí được kết nạp vào Đảng và được chỉ định làm Bí thư xã Hòa An. Nhiệm vụ của đồng chí thời điểm này là khôi phục, củng cố cơ sở đảng, đẩy mạnh hoạt động diệt ác, trừ gian, thành lập lực lượng dân quân du kích của xã. Hòa An là một trong những xã có lực lượng dân quân du kích mạnh của tỉnh.
Đồng chí Trương Vạn Năng xem lại bài hồi ký của mình
Năm 1949, đồng chí Trương Vạn Năng được cấp trên cử đi học lớp Đại đội chánh tại Cần Thơ. Sau khóa học, đồng chí được phân công về Mỹ Tho làm Phó Chính trị viên, rồi Chính trị viên Đại đội địa phương huyện Cái Bè. Hoạt động đến năm 1950 thì đồng chí được điều về công tác tại Huyện đội Cao Lãnh cho đến lúc tập kết chuyển quân ra Bắc. Trong hồi ký của đồng chí Trương Vạn Năng có đề cập: Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Phối là Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Long Châu Sa. Đồng chí Phối hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình tôi và hỏi riêng nguyện vọng của tôi: “Lúc này đi là vinh quang, ở là anh dũng. Vậy chú muốn đi hay muốn ở lại?” Đồng chí Năng nói: “Tôi sanh ra có sở trường và sở thích là trực tiếp cầm súng chiến đấu, đi hay ở là do cấp trên sắp xếp, tôi sẽ chấp hành. Còn nếu ở lại, đồng chí cho tôi xuống đơn vị nào, địa phương nào, mặt trận nào cũng được miễn là được tiếp tục cầm súng chiến đấu”. Sau đó, đồng chí Năng được sắp xếp phân công ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Theo đồng chí Trương Vạn Năng, trong khoảng thời đó, nhiệm vụ nào cũng đều quan trọng nên đồng chí không đắn đo, suy nghĩ nhiều mà chỉ nghĩ Đảng giao nhiệm vụ thì phải hoàn thành.
Trong những ngày bộ đội của ta tập kết tại Cao Lãnh, cấp trên giao cho đồng chí Trương Vạn Năng nhiệm vụ tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về Hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ chức quần chúng tham gia mít tinh, vận động các mẹ, các chị đan nón nan tặng chiến sĩ, tổ chức đón tiếp thân nhân cán bộ, chiến sĩ đến thăm và đưa tiễn con em mình lên tàu ra Bắc.
Tháng 8/1958, đồng chí Trương Vạn Năng nhận nhiệm vụ về Mỹ Tho. Trong đêm tối, đồng chí Năng đi đến địa phận huyện Cái Bè thì bị địch phục kích và bắt giữ. Bọn chúng đưa đồng chí Năng về Vĩnh Long xét xử, rồi tuyên án 5 năm khổ sai ngoài Côn Đảo. Những năm tháng ở tù, đồng chí Năng tiếp tục tham gia vào tổ chức đảng trong tù. Đó là những năm tháng chờ đợi dài đằng đẵng, không tin tức, không liên lạc được với gia đình, vợ, con. Mới ra tù, đồng chí Trương Vạn Năng trở về quê nhà, thông qua đồng đội trở lại Huyện đội Cao lãnh. Sau đó, đồng chí Năng được về nghỉ dưỡng khoảng 20 ngày thì tiếp tục hoạt động cách mạng thời kỳ chống Mỹ.
Hơn nửa thế kỷ theo Đảng và Bác Hồ, đồng chí Năng cùng với đồng đội trải qua nhiều gian khổ, khó khăn trong suốt chặng đường kháng chiến. Theo đồng chí Trương Vạn Năng, sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân, động viên của đồng đội, gia đình là nguồn sức mạnh để đồng chí vượt qua mọi gian nguy, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó.
Đảng viên Ngô Phước Dũng: làm giàu tại quê hương của mình
Anh Ngô Phước Dũng tranh thủ thời gian lặt lá mai chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Bính Thân
Những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, anh Ngô Phước Dũng (SN 1970) đảng viên, hội viên nông dân ấp 4, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười vẫn tất bật với công việc đồng áng. Lúc chúng tôi đến nhà, anh đang xem lại lúa giống, kiểm tra máy móc... chuẩn bị đi cấy lúa tại huyện Tân Hồng. Khi được hỏi về “bí quyết” thành công từ sản xuất nông nghiệp trong năm 2015 (anh Ngô Phước Dũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, sản xuất và kinh doanh giỏi), anh Dũng cười tươi nói chỉ làm hết sức của mình.
Anh Ngô Phước Dũng bộc bạch, sau khi học trung cấp ngành cơ khí tại tỉnh Vĩnh Long ra trường vào năm 1989, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh quyết định không đi xin việc làm mà ở nhà phụ giúp gia đình sản xuất nông nghiệp (trồng 2ha lúa). Đến năm 1991, địa phương có chủ trương tăng vụ, anh Dũng mạnh dạn bàn bạc cùng gia đình chuyển đổi tăng từ 2 - 3 vụ lúa/năm. Dù tăng vụ thực tế sản xuất lúa của gia đình anh Dũng nói riêng và nông dân xã Mỹ Đông nói chung chủ yếu bằng thủ công nên chi phí cao, lợi nhuận thấp. Từ thực tế đó, anh Dũng quyết định đầu tư máy móc (máy cày, máy suốt lúa) để làm thuê ngay tại quê hương của mình.
Ngoài sản xuất 2ha lúa 3 vụ/năm, anh Dũng còn mướn thêm lao động để đi làm đất và suốt lúa thuê trong và ngoài địa phương cho nguồn thu nhập khá. Có tích lũy, gia đình quyết định mua thêm đất ruộng để sản xuất lúa với tổng diện tích trên 30ha. Nhận thấy, ngoài áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần giảm thất thoát, tăng lợi nhuận nên năm 2007, anh mạnh dạn đầu tư 1 máy gặt đập liên hợp. Sau khi sử dụng thấy có hiệu quả cao và có khả năng mở rộng, đến cuối năm 2008 anh tiếp tục mua thêm 2 máy. Chưa dừng lại, đến năm 2011, anh Dũng quyết định mua thêm 1 máy nữa, đến nay anh có 4 máy gặt đập liên hợp. Với số máy trên, ngoài việc phục vụ cho gia đình, anh Dũng làm thuê cho bà con trong và ngoài địa phương với tổng diện tích trên 1.000ha/vụ, tạo nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho gia đình mỗi năm sau khi đã trừ chi phí.
Anh Ngô Phước Dũng kiểm tra máy cấy lúa để chuẩn bị ra đồng
Nhờ có kiến thức về ngành cơ khí và bản thân luôn đam mê sáng tạo, năm 2013, anh Ngô Phước Dũng tập trung nghiên cứu đầu tư vào khâu gieo sạ. Sau khi nghiên cứu trên các trang mạng và tham quan học hỏi nhiều nơi, anh quyết định mua 1 máy cấy lúa hiệu Kubota với công suất cấy lúa từ 4-5ha/ngày. Hiệu quả kinh tế của máy mang lại rất lớn, lợi nhuận rất cao. Máy cấy lúa giảm được lượng giống xuống còn 4-5kg/1.000m2. Cấy bằng máy nên mật độ lúa thưa, giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa không đổ ngã, chất lượng và năng suất lúa đạt cao, bình quân có thể đạt từ 8-9 tấn/ha (nhất là đối với giống lúa OM 4900). Hàng năm, ngoài việc cấy lúa nhà, anh Dũng còn cấy lúa thuê cho hàng trăm ha lúa của người dân trên địa bàn huyện Tháp Mười và các huyện lân cận. Phương pháp cấy lúa bằng máy được người dân ưa chuộng vì không những tiết kiệm được chi phí mà còn tăng lợi nhuận. Từ đó, anh Dũng quyết định mua thêm 3 chiếc máy cấy nữa để đáp ứng nhu cầu cấy lúa của bà con ở các tỉnh Long An và Tiền Giang.
Là một nông dân chân đất nhưng nguồn thu nhập của gia đình anh Dũng từ sản xuất lúa, máy gặt đập liên hợp, máy cấy lúa... đã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm (đã trừ tất cả các chi phí). Với tinh thần cần cù lao động, quyết tâm làm giàu chính đáng tại quê hương của mình, năm 2013, anh Ngô Phước Dũng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Với vai trò là người đảng viên, đồng chí Ngô Phước Dũng luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó có các phong trào do địa phương phát động nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Dũng Chinh - Dương Út