Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp lấy ý kiến đóng góp 2 dự án luật
Cập nhật ngày: 13/03/2020 14:47:02
Ngày 13/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đối với 2 dự thảo luật để đại biểu đóng góp ý kiến.
Ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý các nội dung cần lấy ý kiến
Về góp ý Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo đại biểu, luật này khác với Luật hòa giải ở cơ sở và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động hòa giải ở cơ sở, trọng tài kinh tế…. Ý nghĩa của luật này nhằm hạn chế việc tốn kém chi phí trong tố tụng cho người dân và tạo điều kiện giữ tình đoàn kết trong nhân dân, đồng thời giảm áp lực công việc cho ngành Tòa án.
Đại biểu có ý kiến nên quy định những trường hợp cần hòa giải, đối thoại tại tòa (có thể sau khi đã hòa giải không thành tại cơ sở, tòa án mới tổ chức hòa giải, đối thoại); nên quy định sau khi hòa giải thành 7 ngày là có quyết định công nhận hòa giải thành thay vì 15 ngày.
Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề như: tốn kém nhiều kinh phí của nhà nước và hiệu quả của công tác hòa giải này; vấn đề hòa giải viên mời các bên đương sự có đến để tổ chức hòa giải hay không; vấn đề quy định không được ghi âm, ghi hình trong lúc hòa giải, đối thoại có phù hợp...
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến dự án luật
Đối với dự án Luật Giám định tư pháp, đại biểu có ý kiến giữ nguyên quy định tại Điều 12 như luật hiện hành, không tán thành việc bổ sung tổ chức giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao vì Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định khó bảo đảm tính khách quan, làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng, không phù hợp chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức cần có quy định cơ quan chủ trì và các cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện. Thời gian giám định phải quy định theo thời gian tố tụng cho phù hợp trong giải quyết vụ án; quy định rõ trách nhiệm của giám định viên về kết quả giám định… là các vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, có ý kiến.
Thanh Trúc