Giải trình ý kiến thảo luận Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

Cập nhật ngày: 01/07/2024 16:43:47

ĐTO - UBND tỉnh đã có giải trình ý kiến đại biểu HĐND tỉnh qua các buổi thảo luận Tổ đại biểu trước kỳ họp thứ tám, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh. 


Những ý kiến của đại biểu thảo luận Tổ trước kỳ họp thứ tám được UBND tỉnh giải trình, làm rõ thêm

Thực hiện ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung giải trình ý kiến đại biểu liên quan các nội dung trình tại kỳ họp, gồm báo cáo và các tờ trình, dự thảo nghị quyết. Đây là điểm mới và cũng tạo điều kiện cho UBND tỉnh có thêm thời gian chỉ đạo ngành, địa phương nghiên cứu và giải trình các ý kiến sâu, sát với tình hình và điều kiện thực tế của ngành, lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của đại biểu quan tâm.

Đối với các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, qua họp thẩm tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, trao đổi với các Ban; qua đó, tạo sự thống nhất giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra trước khi trình ra HĐND tỉnh. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến kiến nghị, đề xuất của các Ban HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giải trình làm rõ một số nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Trong đó, về ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 là 9,57% để cả năm đạt 8,0% theo kế hoạch đã đề ra. UBND tỉnh cho biết, theo ước tính của Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 30/5/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 5,93%, cao hơn cả nước 0,13%, nhưng kết quả này thấp hơn mục tiêu của tỉnh 0,93%, do đó 6 tháng cuối năm 2024 phải phấn đấu đạt 9,57% để cả năm đạt 8%.

Tỉnh dự báo những khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm sẽ tiếp diễn nhưng cũng có nhiều thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng 9,57%. Sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản dự báo sẽ có nhiều thuận lợi về thị trường tiêu thụ, có khả năng tăng trưởng 4,78%. Sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, dấu hiệu tăng trưởng 6 tháng đầu năm rất tích cực nên sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, có khả năng đạt trên 12%; ngành xây dựng sẽ đạt giá trị cao nhờ động lực từ giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn từ khai thác khoáng sản (cát), do đó, khu vực Công nghiệp - Xây dựng có khả năng đạt mức tăng trưởng 12,55%. Các ngành dịch vụ, các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, du lịch, xuất khẩu sẽ sôi động hơn, do đó khu vực Thương mại - Dịch vụ sẽ có mức tăng trưởng khoảng 12,25%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã cân đối lại kịch bản tăng trưởng và đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo, điều hành. Trong đó, tập trung khắc phục các hạn chế, khai thác dư địa tăng trưởng thông qua các Chương trình, Đề án, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là thúc đẩy đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Đối với kiến nghị UBND tỉnh cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn đối với những hạn chế. UBND tỉnh tiếp thu ý kiến cử tri, ngoài những nguyên nhân khách quan, thời gian qua UBND tỉnh còn chậm và lúng túng trong chỉ đạo hoạt động khai thác cát, chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt, thu hút đầu tư tư nhân, triển khai thủ tục liên vận đường bộ Cửa khẩu Thường Phước. UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để giải quyết căn cơ các vấn đề này trong 6 tháng cuối năm.

Về ý kiến tỉnh cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn đối với hạn chế trong chỉ đạo hoạt động khai thác cát, chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt, thu hút đầu tư tư nhân, triển khai thủ tục liên vận đường bộ Cửa khẩu Thường Phước, UBND tỉnh tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để giải quyết căn cơ các vấn đề này trong 6 tháng cuối năm.

Đối với vấn đề khai thác cát, ngay từ khi thực hiện lập hồ sơ Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp thực hiện “Nhiệm vụ khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất định hướng quản lý, khai thác khoáng sản cát trên lòng sông Tiền, sông Hậu và khoáng sản sét, than bùn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh)”. Kết quả thực hiện nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 362 ngày 29/3/2023, các nội dung đánh giá được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 39 ngày 11/1/2024.

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050, làm cơ sở triển khai quản lý, khai thác trong thời gian tới theo quy định.

Đối với vấn đề định giá đất, Nghị định số 12 ngày 5/2/2024 của Chính phủ ban hành đã quy định rõ trình tự, thủ tục khi áp dụng các phương pháp trong công tác định giá đất cụ thể, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh khi tiến hành định giá một số dự án sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, có khó khăn gây lúng túng trong công tác định giá đất.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, ngày 31/5/2024, UBND tỉnh đã có Công văn số 359 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến hướng dẫn giải quyết vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 12 ngày 5/2/2024 của Chính phủ. Đến nay, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhiều lần liên hệ đề nghị cơ quan trung ương hướng dẫn giải quyết, tuy nhiên địa phương chưa nhận được phản hồi của Bộ. Bên cạnh đó, dự kiến Luật Đất đai năm 2024 sẽ có hiệu lực thi hành ngày 1/8/2024 thì công tác xác định giá đất sẽ thực hiện theo quy định mới.

Đối với phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, mô hình, trung tâm quảng bá sản phẩm tại Hà Nội, Phú Quốc, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã rất quan tâm, xem đây là những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo và đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tăng cường hơn công tác hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm và lập hồ sơ đề nghị xét công nhận; rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng của mô hình trung tâm quảng bá sản phẩm, nghiên cứu phương án phù hợp để đảm bảo các trung tâm hoạt động bền vững hơn…

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn