Góp ý Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992
Làm rõ vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc

Cập nhật ngày: 29/03/2013 04:39:13

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Đồng Tháp đã triển khai lấy ý kiến của các thành viên về những nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, đa số các ý kiến của các tổ chức thành viên cơ bản thống nhất cao với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Điều 6, Dự thảo đã làm rõ, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội, HĐND như Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, Hiến pháp cần thể hiện rõ vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị, cần quy định rõ các chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam về: Xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; đối ngoại nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Cần bổ sung quyền đại diện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, vì vai trò đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ của MTTQ là rất quan trọng.

Dự thảo cần có những định chế mạnh hơn về giám sát và phản biện xã hội; đi liền theo đó là các văn bản dưới luật quy định ngay từ đầu; phải giữ cho được vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có như vậy, MTTQ mới có vị trí thực tế trong xã hội, là bộ phận trong hệ thống chính trị. Đề nghị làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vì hoạt động này có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong Dự thảo.

Mặt khác, cần tách hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ theo hướng “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện phản biện xã hội theo quy định của pháp luật”. Đối tượng của giám sát là con người, cán bộ cụ thể; đối tượng của phản biện là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, do đó cần xem xét tách hai hoạt động này cho phù hợp.

Nhân dân phải được tham gia phản biện là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Quyền làm chủ của người dân được đề cập như thế nào trong Hiến pháp sửa đổi. Phải nhấn mạnh trong Điều 4 “Vai trò của Đảng phải đi đôi với trách nhiệm với nhân dân”; đồng thời phải nói rõ nhân dân có vai trò với Đảng. Nhân dân phải được tham gia phản biện đường lối, chủ trương của Đảng xem có hợp lòng dân không. Nhân dân cũng phải có quyền giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị.

Trong Dự thảo không thấy đề cập đến quyền của MTTQ, nói cách khác là quyền của nhân dân đối với Đảng. Do đó, cần bổ sung quyền của MTTQ trong Điều 9 Dự thảo là quyền tham gia xây dựng Đảng để Đảng trong sạch vững mạnh, cùng với Nhà nước chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện hoạt động của tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên.

Nếu Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân thì trong Hiến pháp phải quy định những việc trọng đại của đất nước phải lấy ý kiến toàn dân, trưng cầu ý dân. Đồng thời, đề nghị cần có một chương riêng quy định về MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; cần có thêm các điều quy định về các đoàn thể chính trị - xã hội khác (như Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên), ngoài tổ chức Công đoàn.

Kim Ngân
(Lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn