Huyện Tháp Mười phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp
Cập nhật ngày: 11/11/2024 13:33:04
ĐTO - Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Tháp Mười xây dựng Kế hoạch số 226 ngày 20/6/2024 thực hiện Chương trình hành động số 75 của Tỉnh ủy khóa XI thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (viết tắt là Nghị quyết số 43). Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về nội dung, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43, Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch Huyện ủy phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương.
Người dân sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện Tháp Mười
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện triển khai, quán triệt thực hiện Kế hoạch số 226 ngày 20/6/2024 của BCH Đảng bộ buyện trên 400 cuộc với 11.000 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham dự. Qua triển khai, học tập, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sát với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị nói chung và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân nói riêng về phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp. Trong đó, tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trên địa bàn, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị, thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, tăng thu ngân sách. Ngoài ra, huyện Tháp Mười tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh gắn với các giải pháp hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập đời sống Nhân dân; giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Huyện Tháp Mười đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, nhằm cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tổ chức, hướng dẫn nông dân triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động tuyên truyền, tổ chức cho nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ, khuyến cáo sử dụng giống lúa chất lượng cao, giống tốt (cấp xác nhận), giống có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nạo vét kênh mương thủy lợi... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển kinh tế tập thể của địa phương.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 43, huyện Tháp Mười xác định đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tháp Mười có nhiều công ty, doanh nghiệp có uy tín, tiềm năng, năng lực về tài chính tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ. Các ngành, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong việc phối hợp liên kết tiêu thụ, cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, từ đó giúp các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và nông dân an tâm sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra và người dân có lãi. Ông Nguyễn Văn Lợi ngụ xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười), cho biết: “Gia đình tôi có 5ha chuyên sản xuất lúa, qua tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã, tôi quyết định sản xuất theo hướng gắn với bao tiêu nông sản, bởi qua quá trình sản xuất, tôi biết được có lợi nhuận và hiệu quả kinh tế. Hướng tới, tôi sẽ duy trì sản xuất lúa theo liên kết tiêu thụ...”.
Đồng chí Đinh Minh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tháp Mười, cho biết: “Các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 43 gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, huyện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại có chất lượng theo nhu cầu thị trường, tập trung triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của tỉnh, huyện; quan tâm công tác quy hoạch phát triển đô thị, thu hút nguồn lực và huy động xã hội hóa cho mục tiêu phát triển đô thị, nhất là đô thị thị trấn Mỹ An, đô thị xã Trường Xuân... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Tháp Mười”.
DŨNG CHINH