Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ và văn hóa công sở

Cập nhật ngày: 11/04/2019 05:50:46

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói đạo đức là cái gốc của người cách mạng. “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đó là những tiêu chí đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Đối với người cán bộ, công chức (CB,CC), đạo đức cách mạng được thể hiện qua những hành động trách nhiệm trong thực thi công vụ, góp phần xây dựng văn hóa công sở.

Điều này có ý nghĩa quan trọng trên cơ sở lý luận và thực tiễn công tác cho mỗi CB,CC. Vì mỗi CB,CC là chiếc cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến gần nhân dân hơn. Do vậy, ngoài năng lực chuyên môn trong thực thi công vụ, đòi hỏi người CB,CC phải thực sự là những người có tư cách đạo đức tốt, có trách nhiệm trong thực thi công vụ để hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Theo một số tài liệu, công vụ được hiểu là hoạt động mang quyền lực - pháp lý được thực thi bởi đội ngũ CB,CC hoặc những người được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước để phục vụ nhân dân.

Trách nhiệm thực thi công vụ là trách nhiệm của CB,CC phải thực hiện những chức trách, nhiệm vụ được pháp luật quy định, được thực hiện các quyền và phải chịu trách nhiệm tương ứng. Trách nhiệm công vụ của CB,CC luôn gắn với từng vị trí việc làm cụ thể nhằm đạt được kết quả tốt nhất, với chi phí thấp nhất, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, tức là nếu CB,CC thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nhưng chưa đạt kết quả theo yêu cầu thì chưa hoàn thành trách nhiệm công vụ.

Còn văn hóa công sở được hiểu là tổng hòa những giá trị hữu hình và vô hình bao gồm trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường - cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử của CB,CC nhằm xây dựng một công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao.

Văn hóa công sở là cái bên trong, cốt lõi hướng CB,CC trong thực thi công luôn hành động vì mục đích tốt đẹp, cao cả và được thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, yêu thương con người, sống có nghĩa có tình, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, thi hành công vụ có sáng tạo, chấp hành nghiêm kỷ luật, có ý chí phấn đấu, có tinh thần đoàn kết, thân ái, hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ.

Trách nhiệm của CB,CC trong thực thi công vụ - văn hóa công sở là yếu tố cơ bản quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong Chương trình cải cách hành chính và Đề án văn hóa công vụ của Chính phủ theo Quyết định số 1847/QĐ-QĐ-TTg ngày 27/12/2018, nhằm xây dựng một nền hành chính hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, vì nhân dân phục vụ.

Hiện nay, trách nhiệm công vụ được pháp luật quy định khá chặt chẽ trên từng lĩnh vực và từng chuyên ngành cụ thể để CB,CC nghiên cứu, học tập, vận dụng khi thực thi công vụ. Quy định tại Điều 2 Luật CB,CC năm 2008 quy định “Hoạt động công vụ của CB,CC là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CB,CC theo quy định này và các quy định khác có liên quan” như: Luật CB,CC; Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước; Bộ Luật hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng...

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm công vụ, văn hóa công sở ở các cơ quan đảng và chính quyền trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được nâng lên rõ rệt.

Phần lớn CB,CC, cơ quan, đơn vị hoạt động có tính chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; xây dựng đội ngũ CB,CC “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, thực hiện tốt cuộc vận động “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của CB,CC, viên chức” đã làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động cụ thể, tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, năng động.

Việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã trở thành nhu cầu cần thiết của CB,CC giúp cho việc tham mưu, giải quyết công việc được chính xác, nhanh chóng đem lại hiệu quả tốt nhất, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy một thực tế vẫn còn không ít CB,CC hiện nay làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa tích cực; một số CB,CC bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới; cách làm việc quan liêu, hành chính hóa, tác phong chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, nói nhưng không làm, sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả, có tình trạng “đi muộn về sớm”, đùn đẩy trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa; tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đến liên hệ công tác.

Theo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, trong 5 năm qua (từ năm 2013 -2018), nhiều tổ chức, CB,CC vi phạm bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự, xét xử 25 vụ/35 bị cáo; đã thu hồi 30 tỷ 115 triệu đồng, hơn 90 cây vàng và hơn 90.000m2 đất. Những hạn chế nêu trên đã làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bộ máy quản lý của Nhà nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên là hiện tượng “bình quân chủ nghĩa” còn diễn ra khá phổ biến, tình trạng CB,CC ỷ lại dựa dẫm vào cấp trên; bị động, chưa có sự chủ động tham mưu, đề xuất với cấp trên. Thực hành dân chủ vẫn chưa thường xuyên, đều khắp và chưa trở thành nếp sinh hoạt văn hóa công sở.

Việc đánh giá CB,CC chưa thực chất, người làm nhiều, làm tốt nhưng thường hay va chạm nên chưa được đánh giá cao, người nói mà không làm thường không va chạm lại được đánh giá cao. Công tác sắp xếp một số vị trí công việc chưa phù hợp chuyên môn, đúng người đúng việc. Hệ quả là chưa khuyến khích được sự cố gắng nỗ lực, tính sáng tạo trong giải quyết công việc của công chức.

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực thi công vụ và văn hóa công sở trong giai đoạn hiện nay thì cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với CB,CC, trong đó tăng cường giám sát, kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Phát huy tối đa vai trò tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, đảng viên để CB,CC, quần chúng noi theo.

Tránh làm kiểu phong trào, khẩu hiệu to còn làm thì nhỏ. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ CB,CC. Phải xử lý nghiêm minh các trường hợp không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện tốt trách nhiệm của mình để xảy ra sai sót, vi phạm.

Đồng thời chú trọng công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm giải trình của CB,CC. Tạo ra môi trường làm việc thân thiện, công khai minh bạch các lĩnh vực theo quy định, xây dựng tác phong, ngôn phong chuẩn mực; tạo sự đoàn kết hợp tác đa chiều giữa cấp trên với cấp dưới, trong và ngoài cơ quan thực sự nhịp nhàng, hiệu quả. Trong đó, thực hiện cơ chế giám sát của người dân, tổ chức đối với hoạt động của CB,CC; chú trọng công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của CB,CC xử lý khéo léo các vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ.

Phát huy tính tự giác, ý thức trách nhiệm và cơ chế kiểm soát CB,CC trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Chủ động tham mưu, làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao là một giá trị văn hóa công sở, gần gũi và dễ thực hiện từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt: ngôn phong danh xưng chuẩn mực, lễ tiết, tác phong chững chạc, ý thức giữ gìn môi trường cơ quan xanh - sạch - đẹp, ý thức bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, cần có cơ chế phù hợp để phát hiện, chấn chỉnh ngay những hạn chế, khuyết điểm thường xuyên của CB,CC lấy phòng là chính. Mạnh dạn xử lý nghiêm những CB,CC thụ động, trông chờ hay ỷ lại, làm việc cầm chừng không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cần có công cụ để thu thập và phân tích, đánh giá đối với các thông tin về quá trình thực thi công vụ của CB,CC, từ đó có cơ sở để kiểm soát và điều chỉnh quá trình thực thi công vụ là một trong những yếu tố góp phần xây dựng thành công nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, vì nhân dân phục vụ.

Ngoài ra, xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với CB,CC. Chính sách tiền lương, tiền thưởng và đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với đội ngũ CB,CC để an tâm công tác. Tiền lương là mối quan tâm hàng đầu và là động lực làm việc của người lao động trong bất cứ tổ chức nào. Một chính sách tiền lương hợp lý, khoa học, đảm bảo công bằng sẽ khuyến khích CB,CC làm việc hết mình, phát huy mọi khả năng sáng tạo để thực thi công vụ có hiệu quả và hoàn thành tốt trách nhiệm.

V.H-T.ĐB

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn