Nhớ tư tưởng của Bác Hồ về thi đua

Cập nhật ngày: 10/06/2017 10:15:23

ĐTO - Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển.

Người chỉ rõ: Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, vì độc lập dân tộc, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc; lực lượng tham gia thi đua là tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt sĩ, nông, công thương, binh, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, lớn nhỏ; nội dung thi đua trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, thể hiện rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; cách làm là dựa vào lực lượng, tinh thần của nhân dân, cần được tiến hành liên tục, lâu dài, toàn diện trên nền tảng những công việc hàng ngày, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể vừa là nguyên tắc, vừa là động lực thúc đẩy thi đua mang lại hiệu quả thiết thực; thi đua phải gắn liền với khen thưởng, bởi khen thưởng để đẩy mạnh thi đua, “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.

Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình (5/1952). Ảnh internet

Trong lời phát biểu tại buổi lễ khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1/5/1952 ở Việt Bắc, Bác Hồ nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".

Tư tưởng, quan niệm của Bác về thi đua thể hiện cách nhìn nhận sâu rộng, là sự phát triển mới về thi đua. Theo quan niệm thông thường, thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong một lĩnh vực nào đó. Theo quan niệm của Bác, thi đua còn là biểu hiện của hoạt động tinh thần, tư tưởng, thể hiện lòng yêu nước, vì sự nghiệp cách mạng của quần chúng.

Với việc chỉ rỏ mục đích, lực lượng, nội dung thi đua và cách thức tổ chức thi đua cùng với quan niệm thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua của Bác, thi đua đã trở thành động lực phát huy lòng yêu nước, làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực trong việc làm hàng ngày. Ngược lại, lòng yêu nước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả thi đua.

Không chỉ phát động thi đua, Bác Hồ còn là tấm gương mẫu mực trong phong trào thi đua yêu nước.

Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ phát động và tích cực tham gia thi đua trồng rau xanh, luyện tập thể dục, thể thao. Phát động diệt giặc đói sau ngày tuyên bố Độc lập, Bác 10 ngày nhịn ăn 1 bữa để góp vào hủ gạo cứu đói. Suốt cuộc đời, Bác luôn đặt lên hàng đầu phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng vì nước, vì dân. Cho đến lúc đi xa, trên ngực áo ka ki của Người không một tấm huân chương, nhưng Người luôn nâng niu từng tấm gương người tốt, việc tốt, đề nghị Chính phủ khen thưởng hoặc Người gửi tặng Huy hiệu hay lời khen ngợi.

Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác có nguyên nhân quan trọng từ hoạt động thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân trên cơ sở tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước.

Ngày nay, nội dung, hình thức thi đua, khen thưởng có thể khác trước, khác nhau trong từng giai đoạn, từng địa phương, đơn vị, nhưng về bản chất vẫn là tổ chức, động viên, khuyến khích mỗi người, mỗi tập thể nâng cao tinh thần tự giác, đoàn kết, phát huy tối đa công sức, trí tuệ của mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của cá nhân, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tập thể và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - là những biểu hiện cụ thể của thi đua yêu nước.

Tổ chức, thực hiện thi đua cũng cần hết sức tránh những hạn chế như phô trương hình thức, có “phát” mà không “động” theo kiểu đánh trống bỏ dùi, thùng rỗng kêu to, chạy theo thành tích, biến thi đua thành ganh đua, dùng thủ đoạn để đạt thành tích, mưu lợi cho riêng mình; khen thưởng không đúng người, đúng việc, không có sức lan tỏa, thậm chí dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, nặng khen thưởng vật chất, xem nhẹ yếu tố tinh thần.

Nếu mỗi cá nhân, tập thể luôn thi đua hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình cũng chính là thi đua học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn