Những tư liệu, kỷ vật làm báo vô giá
Cập nhật ngày: 21/06/2021 10:00:04
ĐTO - Ngồi lật giở lại từng trang Báo Đồng Tháp xuất bản cách nay 45 năm và nhìn ngắm những kỷ vật làm báo thời kỳ đó được lưu giữ đến nay, những phóng viên trẻ chúng tôi thêm cảm phục và yêu quý nghề báo. Trong hoàn cảnh, điều kiện khó khăn của những năm đất nước mới thống nhất, những người làm báo Đảng của địa phương vẫn luôn kịp thời đưa những thông tin, hình ảnh thời sự phục vụ độc giả, làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Tờ Báo Đồng Tháp số ra ngày 30/7/1976
1. Năm 1976, Báo Đồng Tháp là Cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Đồng Tháp xuất bản 1 số/tháng với 8 trang báo cổ động, tuyên truyền các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục... Giai đoạn này, các cô, chú làm báo trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, thiết bị tác nghiệp nhưng vẫn ghi lại được những hình ảnh sinh động minh họa cho tác phẩm báo chí của mình.
Đó là những bức ảnh thể hiện không khí hoạt động sôi nổi của việc tăng gia sản xuất, mít tinh chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trên báo Đồng Tháp ra ngày 4/9/1976 đăng tin tường thuật “Đồng Tháp tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2/9” với các hình ảnh về đua thuyền trên sông Sa Đéc, xe hoa mừng ngày Quốc khánh, phụ nữ Đồng Tháp diễu hành mừng Quốc khánh.
Cũng trong số báo này có tin Đồng Tháp cùng cả nước từng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học 1976-1977 đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với hơn 140.000 học sinh 3 cấp học nô nức đi khai giảng. Báo tuyên truyền chính trị với bài xã luận sâu sắc đề cập đến việc “Tự phê bình và phê bình sâu sắc để tiến lên mạnh mẽ” (số báo ngày 5/10/1976) hoặc “Mít tinh trọng thể chào mừng Đại hội Đảng lần thứ IV khai mạc” (số báo ngày 25/12/1976)...
Các hiện vật của những người làm báo tặng Tòa soạn Báo Đồng Tháp
2. Năm 2016, Chi đoàn cơ sở Báo Đồng Tháp sưu tầm tư liệu, kỷ vật của người làm báo ở tỉnh qua các thời kỳ để lập góc truyền thống. Những chiếc máy ảnh, máy ghi âm, thiết bị nhắn tin, thùng chứa tài liệu... của những cô, chú làm báo qua các thời kỳ của tỉnh còn lưu giữ đã tặng lại cho Báo Đồng Tháp đều là những kỷ vật vô giá.
Đặc biệt, 3 tờ Báo Cờ Giải Phóng (tiền thân Báo Đồng Tháp) phát hành vào năm 1971 và 1973 do cụ Huỳnh Công Toại - phóng viên Tạp chí Văn nghệ Kiến Phong (Tiểu Ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Kiến Phong) lưu giữ đã được Nhà báo, Nhà văn Huỳnh Công Trường (con của Nhà báo Huỳnh Công Toại) tặng lại cho Báo Đồng Tháp tiếp tục lưu giữ. Góc truyền thống của Báo còn lưu giữ tờ Quyết định thành lập Báo Đồng Tháp do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thế Hữu ký vào ngày 17/8/1976.
Nhà báo Nguyễn Văn Thi từng chia sẻ với các phóng viên trẻ của báo Đồng Tháp về chiếc máy ảnh PEN-EE 679866 xuất xứ Nhật Bản do gia đình chú dùng vàng mua vào năm 1972 để tác nghiệp thời kháng chiến, nay tặng lại cho Báo Đồng Tháp lưu giữ làm kỷ vật truyền thống. Thế hệ phóng viên trẻ chúng tôi hôm nay xúc động trước tinh thần yêu nghề của những người làm báo thời kỳ trước đã gìn giữ kỷ vật tác nghiệp gần nửa thế kỷ. Các cô, chú đã trao tặng lại cho thế hệ trẻ của Báo Đồng Tháp hiện nay không chỉ là tư liệu, kỷ vật của mình mà còn như sự động viên, truyền lửa cho thế hệ phóng viên trẻ phát huy tinh thần vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của người làm báo Đảng, cùng góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Báo Đồng Tháp.
3. Kế thừa và phát huy truyền thống tờ báo của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Báo Đồng Tháp ngày nay đã phát triển 2 loại hình: Báo in (xuất bản 3 số/tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu) và Báo điện tử cập nhật thông tin thường xuyên trong ngày. Báo Đồng Tháp đã và đang từng bước đổi mới nội dung và hình thức cả 2 loại hình báo chí để bắt kịp xu thế của thời đại mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả trong và ngoài tỉnh, xứng đáng là Cơ quan ngôn luận – Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp.
DƯƠNG ÚT