Phóng viên trẻ và nghề báo

Cập nhật ngày: 20/06/2014 03:46:48

Có người được đào tạo trong ngành báo chí, có người không, nhưng khi vào nghề, những phóng viên trẻ đã phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều áp lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phóng viên Nhựt An: Vượt qua bỡ ngỡ

Những ngày đầu về công tác tại báo Đồng Tháp, cái khó khăn trước hết với tôi không phải vấn đề nghiệp vụ mà là đường đi, vì Đồng Tháp không phải là quê hương. Tôi bắt đầu chú ý, quan tâm nhiều hơn về địa phương mình công tác (đội ngũ cán bộ lãnh đạo, điều kiện tự nhiên...). Về đường đi thì trang web “maps.google.com” là công cụ đắc lực của tôi.

Khi đã cơ bản thông thuộc địa bàn thì khó khăn kế tiếp có lẽ là vấn đề tuổi tác. Không kể những khó khăn do kỹ năng giao tiếp của một phóng viên trẻ, chỉ nói việc gặp một người “mặt búng ra sữa như tôi”, nhiều vị không muốn tiếp chuyện vì không tin một “đứa con nít” như thế mà viết về công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, đôi khi tôi đã rất khó khăn khi thuyết phục nhân vật hợp tác cung cấp thông tin. Xác định được khó khăn đó, tôi cố gắng tạo sự tin tưởng cho người cung cấp thông tin; làm sao để chứng tỏ mình đủ hiểu biết để nói chuyện với họ, chứ không phải “vịt nghe sấm”. Trước khi viết về một vấn đề nào đó, tôi đều bỏ thời gian tìm hiểu kỹ để có cái mà trao đổi với mấy chú, mấy bác. Không chỉ tìm hiểu về nội dung, thông tin cần khai thác mà còn về những từ, cụm từ mình chưa hiểu để nói và viết cho đúng.

Ngoài ra, việc chạy theo những sự kiện “nóng” mà bản thân chưa từng gặp bao giờ, khi bắt tay vào viết cũng chưa có một hình dung cụ thể dễ gây cho phóng viên trẻ sự “hoang mang”. Vài lần tôi được được phân công đưa tin những sự kiện quan trọng, thời hạn nộp bài vở thì phải tuân thủ. Song, vấn đề đụng tới có thể không viết nhanh được. Những lần như thế áp lực công việc quả là nặng nề với những người trẻ tuổi chưa làm quen với cường độ công việc nhanh nhạy, kịp thời của báo chí hiện đại. Tất nhiên bản thân tôi cũng xem đó như một thử thách và đôi khi nó lại là một cơ hội trau dồi nghiệp vụ. Mỗi lần như vậy tôi đều tự nhủ: Nghề nào chẳng có những khó khăn, huống hồ nghề làm báo những khó khăn rất đặc thù.

Phóng viên Bích Liễu: Một năm tìm sự tự tin

Là người nhút nhát, giao tiếp kém nhưng với niềm đam mê, yêu thích nghề báo, tôi đã quyết tâm khắc phục khuyết điểm, thử thách bản thân để đến với nghề báo. Một năm làm báo, tôi thấy mình trưởng thành hơn trong cả cách nghĩ, cách làm đến tác phong ứng xử trong cuộc sống. Giờ đây, tôi thật sự thấy tự tin, yêu thích và tự hào với công việc mình đang làm.

Là “dân văn”, tôi bước vào nghề báo với mớ kiến thức ít ỏi về các thể loại tin, bài báo chí được trang bị trên giảng đường, vì thế, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đây đứng ở góc độ độc giả, khi đọc một tin, một bài báo, tôi nghĩ viết báo cũng không mấy gì khó. Thế rồi trải qua một tuần đọc báo ở tòa soạn với vai trò là một phóng viên, tôi nghiên cứu, phân tích và bắt đầu cảm thấy hoang mang. Nhiều câu hỏi dần hiện ra trong đầu: Làm sao để biết vấn đề đó mà viết? Ai, cơ quan nào sẽ cung cấp thông tin này? Làm sao để liên hệ với họ?... Song trải qua những chuyến tác nghiệp thực tế cùng các anh, chị đồng nghiệp, tôi dần hình dung được quy trình công việc của một phóng viên và bớt được phần nào lo lắng.

Bài viết đầu tiên của mình được đăng trên mặt báo, bao nhiêu cảm xúc trong tôi dâng trào, cũng từ bài viết đó, tôi bắt đầu tự tin, mạnh dạn đi tác nghiệp. Đặc biệt, khi bài viết của tôi nói về hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Nguyễn Văn Danh (ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) đăng trên báo, thì 2 tuần sau tôi nhận được điện thoại của chị Loan (vợ anh Danh) điện đến cảm ơn và cho tôi hay, gia đình đã được một nhà hảo tâm hỗ trợ cất nhà và một nhà hảo tâm khác đứng ra hỗ trợ học phí cho 2 con chị. Cảm giác lúc ấy thật khó tả, một niềm vui khôn xiết đang lan tỏa, cũng lúc đó tôi chợt nhận ra thêm một điều nghề báo không những giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống mà còn giúp ích cho cuộc đời. Nghĩ về điều này, tôi như được tiếp thêm “lửa” - mạnh dạn, tự tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phóng viên Nhật Khánh: Càng làm càng mê

Ngày đầu bước vào nghề báo, tôi cứ nghĩ nghề này chỉ đơn giản là được đi nhiều rồi viết những gì tai nghe mắt thấy. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm với nghề, tôi nhận ra rằng, nghề báo không dễ dàng, hào nhoáng như những gì tôi tưởng tượng trước đây. Để có được một tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng thực tế và tạo được dư luận xã hội tốt, đòi hỏi người phóng viên không chỉ năng động, tích cực đi cơ sở mà còn phải quan sát thực tế tốt, có sự tổng hợp vấn đề, từ đó nghiên cứu, phân tích, có sự chắt lọc để phản ánh đúng sự việc, sự kiện của cuộc sống.

Là một phóng viên trẻ, sự lạ lẫm và bỡ ngỡ là những điều không tránh khỏi trong những ngày đầu, những chuyến đi tác nghiệp, được trải nghiệm thực tế với người thật, việc thật, được gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe những nhân vật của mình bộc bạc;, được hòa mình với niềm vui, nỗi buồn của các nhân vật đã trở thành những kỷ niệm, những dấu ấn trong nghề không thể nào quên đối với bản thân tôi. Và cả những gì được “va vấp” trong công việc đã trang bị cho tôi những kiến thức mới mẻ, giúp tôi dần trưởng thành và thêm yêu nghề.

Nhóm PV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn