Tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

Cập nhật ngày: 06/08/2018 14:33:35

ĐTO - Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Đồng Tháp kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, sơ kết nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Việc thực hiện các nội dung này đã trở thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; thường xuyên tự phê bình và phê bình những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.


Đồng chí Phan Văn Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh

Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa X) về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn. Trong 2 năm (2016, 2017), BTV các cấp ủy đảng trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo gợi ý kiểm điểm sâu nhiều tập thể và cá nhân, trong đó cấp tỉnh 29 tập thể, 40 cá nhân và cấp huyện (tương đương) là 68 tập thể và 83 cá nhân (tập thể và cá nhân được gợi ý kiểm điểm năm 2017 nhiều gấp 1,5 lần so với năm 2016).

Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) được nhiều cấp ủy thực hiện nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; thẳng thắn chỉ ra được những hạn chế, khuyết điểm của tập thể và cá nhân, tìm ra được nguyên nhân hạn chế, thiếu sót để khắc phục trong thời gian tới. Sau kiểm điểm, nội bộ đoàn kết, thống nhất, hướng về mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong nửa nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh với quyết tâm chính trị cao. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập trung công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể (trước khi có Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII) một số đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, khắc phục biểu hiện “hành chính hóa”, “hình thức hóa”.

Thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ CB,ĐV và tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận chuyên đề, chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, 7 khóa XII, trước mắt tập trung Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW gắn với thực hiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đề án thí điểm sắp xếp một số tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020.

Tiến hành xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trọng tâm là công tác cán bộ; quản lý chặt chẽ công tác cán bộ. Đồng thời, lãnh đạo thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí và sử dụng cán bộ. Xây dựng kế hoạch luân chuyển, đào tạo cán bộ, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung, nghiên cứu sâu, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và dự nguồn theo quy hoạch. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn.

Triển khai, quán triệt và cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các văn bản liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng (sửa đổi, bổ sung), để tất cả tổ chức đảng và ĐV đều nắm rõ và tự giác điều chỉnh tránh để xảy ra vi phạm. Tăng cường công tác giám sát thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo trên cơ sở đảm bảo đúng nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, quy định, chú trọng giải quyết ngay từ cấp cơ sở. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém và kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức vi phạm, gây phiền hà đối với tổ chức và công dân.

Tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện Quy định số 01 của Bộ Chính trị khóa XII về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vừa là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp lâu dài. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn, từng bước đẩy lùi tham nhũng vặt. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu, của CB,ĐV, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thể hiện quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên trong các cấp ủy, các ngành trong hệ thống chính trị, trong nhân dân. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, như: xây dựng cơ bản; tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp có thu; tài chính cấp xã... Kết quả, có nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh (trong đó có cả người đứng đầu) được dư luận đồng tình, tạo sức mạnh răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Án tham nhũng đã được phát hiện và khởi tố 15 vụ với 24 bị can với số tiền là 7,4 tỷ đồng, đã thu hồi số tiền trên 4 tỷ đồng (đạt 54,64%). Tỉnh cũng đã xử lý xong các vụ việc theo kết luận của Đoàn Công tác số 4 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn