Cần liên kết trong làm du lịch tại đồng sen Tháp Mười

Cập nhật ngày: 18/05/2015 13:36:57

Vào các ngày trong tuần, đặc biệt là thứ Bảy, Chủ nhật có rất đông khách đến tham quan tại các cánh đồng sen tọa lạc xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) này đang phát triển mạnh, song nếu các hộ dân nơi đây không có sự liên kết chặt chẽ thì sẽ khó phát triển.


Cánh đồng sen mênh mông tại Tháp Mười khiến du khách thích thú

Một ngày giữa tháng 5/2015, dù không phải là ngày nghỉ cuối tuần nhưng khi chúng tôi đến các điểm tham quan đồng sen trên địa bàn xã Mỹ Hòa (nằm cạnh Khu di tích Gò Tháp) thấy có hàng trăm khách. Đi cùng nhóm bạn đến tham quan đồng sen, em Nguyễn Thành Nam ngụ xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Cánh đồng sen ở đây rộng mênh mông, rất đẹp, em mong rằng sen lúc nào cũng có hoa để tụi em đến tham quan lúc nào cũng được ngắm sen”. Gắn bó hơn 20 năm với nghề trồng sen, chú Bảy Kiệt - chủ cánh đồng sen rộng 6ha tại xã Mỹ Hòa phấn khởi cho biết, cánh đồng sen của chú đã đưa vào phục vụ khách du lịch hơn 2 năm nay, những ngày nghỉ, mỗi ngày có trên 200 khách tham quan.

Hiện nay, toàn huyện Tháp Mười có 5 hộ nông dân đưa cánh đồng sen vào phục vụ du lịch với tổng diện tích khoảng 10ha. Từ khi có loại hình dịch vụ này, người dân trong huyện, đặc biệt bà con nông dân tại 2 xã Mỹ Hòa và Tân Kiều rất vui mừng vì không chỉ khu du lịch (KDL) đồng sen có thể quảng bá hình ảnh quê hương Tháp Mười đến với du khách, mà còn giúp một số hộ dân trong vùng và lân cận có việc làm ổn định, tăng thu nhập từ việc phát triển dịch vụ phục vụ nhu cầu khách tham quan.


Đưa đón khách tham quan đồng sen Tháp Mười

Bên cạnh hiệu quả mang lại, loại hình du lịch đồng sen cũng hiện xuất hiện những bất cập vì chỉ khai thác theo hình thức tự phát. Có chủ đồng sen trang trí, chăm chút cho cánh đồng sen thêm đẹp, nhưng có chủ không có sự đầu tư thiết kế các lều trại, cầu trên cánh đồng sen làm mất vẻ mỹ quan KDL. Ngoài ra, KDL chưa có sự quản lý của Nhà nước, không có đê bao vững chắc, không có nguồn điện ổn định, không có trạm bơm điều tiết nước để giữ cho sen trổ hoa liên tục. Mặt khác, hiện bà con KDL đồng sen Tháp Mười chưa có liên kết trồng sen rải vụ nên có lúc sen trổ bông đầy đồng, có lúc không có bông để khách tham quan ngắm. Trước những bất cập trong phục vụ khách du lịch tại KDL đồng sen Tháp Mười, chú Bảy Kiệt bộc bạch: “Tôi mong sao có sự liên kết chặt chẽ giữa những người làm du lịch trên cánh đồng sen, mong đê bao tại KDL được khép kín cũng như chính quyền địa phương tiếp tay cùng bà con nông dân làm du lịch tại KDL đồng sen, có như vậy mới bền vững”.

Để phát huy hiệu quả DLCĐ tại đồng sen Tháp Mười, ông Lương Văn Ngoan - Chánh Văn phòng UBND huyện Tháp Mười cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động DLCĐ. Sắp tới, địa phương sẽ thực hiện tiếp các bước lập quy hoạch phân khu KDL đồng sen Tháp Mười với diện tích 150ha (việc lập quy hoạch này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương). Huyện đã chỉ đạo cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện họp dân lấy ý kiến lập quy hoạch KDL đồng sen. Bên cạnh đó, huyện tập trung thực hiện các nội dung như tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch để loại hình du lịch này phát huy hiệu quả và phát triển bền vững trong tương lai.

Loại hình DLCĐ tại KDL đồng sen Tháp Mười do một số hộ gia đình tham gia, còn khá mới mẽ nên việc tạo ra mối liên kết giữa cộng đồng dân cư, đơn vị kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vốn có của địa phương là hết sức cần thiết.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn