Những bước đi đột phá để thu hút khách

Cập nhật ngày: 18/02/2018 06:25:36

ĐTO - Bất chợt có ai đó hỏi rằng đến Đồng Tháp tham quan những đâu? Chắc chắn sẽ có câu trả lời: Hãy đến với làng hoa, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Tràm Chim, Gáo Giồng, Đồng Sen,... Giờ, các điểm du lịch xứ sở Đất Sen hồng đã trở nên thân thương với khách gần xa. Và để tạo được ấn tượng khó phai trong lòng khách thập phương, Đồng Tháp đã có rất nhiều nỗ lực với những bước đi đột phá.


Tuyến tham quan hoa hoàng đầu ấn - sản phẩm du lịch mới ở Tràm Chim

Đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực

Còn nhớ cách đây chưa đầy 3 năm, có vài lần chúng tôi đưa bạn phương xa đến một số điểm tham quan du lịch trong tỉnh. Thật sự có phần hơi ái ngại vì khi ấy, từ cung cách phục vụ, đến “lời ăn tiếng nói” của không ít nhân viên tại các khu, điểm du lịch chưa tạo được ấn tượng trong lòng du khách. Rồi những câu chuyện “bên lề” về việc ứng xử không mấy tế nhị của nhân viên cũng khiến du khách mất vui trong hành trình trải nghiệm, tìm hiểu về thiên nhiên Đồng Tháp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho du khách ngần ngại khi có ý định quay trở lại Đồng Tháp.

Nhận thấy những hạn chế về nhân lực du lịch, ngay sau khi Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 được ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn tập trung đào tạo nguồn nhân lực sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở. Đặc biệt là đào tạo các kỹ năng nghề du lịch, các nghiệp vụ cần thiết phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trong giai đoạn mới cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch. Đồng thời, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về phát triển du lịch cộng đồng cho các hộ dân tham gia khai thác dịch vụ du lịch.


Khách tham quan Đồng sen Tháp Mười

Cuối năm 2017, chúng tôi có dịp đến một số điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Cảm nhận được từng điểm tham quan có sự tiến bộ vượt bậc trong cung cách phục vụ du khách. Từ nhân viên phục vụ đến người quản lý khu, điểm du lịch luôn niềm nở chào đón khách. Ông Lê Hoàng Long - Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, tiếp thu kiến thức làm du lịch hiện đại mà các nhân viên của khu ngày càng có kinh nghiệm phục vụ du khách ngày càng tốt”. Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để đảm bảo chất lượng dạy và học, Sở phối hợp chặt chẽ với nhà trường. Bên cạnh việc đào tạo lý thuyết, đặc biệt chú trọng phần thực hành, thực tế tại cơ sở, hướng dẫn các kỹ năng cho học viên. Đối với các lớp kỹ năng đặc thù như nấu ăn pha chế, nghiệp vụ vệ sinh, nghiệp vụ buồng tiến hành thực tập ngay tại điểm tham quan hoặc cơ sở. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học viên thông qua các buổi thực hành, làm việc thực tế.

thu Hút du khách từ sản phẩm du lịch đặc trưng

Bên cạnh chú trọng đào tạo nhân lực du lịch, công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sản phẩm đặc thù, làm nên nét riêng cho du lịch tỉnh, góp phần thu hút du khách.

Hôm chúng tôi đến điểm du lịch homestay Ngôi nhà Hoa Ếch ở TP.Sa Đéc, nơi đây đang có gần 10 du khách đến từ các nước châu Âu tham quan nghỉ dưỡng. Đây là một trong những điểm homestay trong tỉnh có nét đặc trưng riêng mang dấu ấn riêng của vùng đất Đồng Tháp. Anh Trần Thanh Hùng,  chủ cơ sở du lịch homestay Ngôi nhà Hoa Ếch cho biết: “Sở dĩ tôi mạnh dạn làm loại hình du lịch này vì được sự động viên của lãnh đạo Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh, đồng thời tôi có tìm hiểu về Đề án Phát triển du lịch tỉnh mình với những hướng đi đột phá trong cách làm du lịch. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, điểm của tôi đón được gần 1 ngàn khách, đa phần là khách quốc tế”.


Du khách tham quan chụp ảnh tại Làng hoa Sa Đéc

Bước đi đột phá của du lịch tỉnh nhà trong 3 năm gần đây là đã xây dựng được các sản phẩm du lịch chuyên đề như: du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh tín ngưỡng và lễ hội, làng nghề trải nghiệm, theo mùa vụ,... Qua đó hình ảnh về du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen” ngày càng được khẳng định khi thường xuyên đứng trong TOP 3 các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp).

Giờ đây đến với Đồng Tháp, du khách có thể tìm đến với nhiều sản phẩm du lịch mới. Khu du lịch Tràm Chim có các tour du lịch trải nghiệm mùa nước nổi. Nhất là gần đây, Tour tham quan hoa đồng nội nhĩ cán tím và hoa hoàng đầu ấn được đông đảo du khách đặc biệt yêu thích. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng khai thác thế mạnh về ẩm thực đồng quê với làng ẩm thực cuối tuần, khu biểu diễn ẩm thực phục vụ khách trải nghiệm. Tại Làng hoa Sa Đéc, các hộ dân tổ chức trồng, hướng dẫn, giới thiệu khách tham quan, trải nghiệm; tạo mô hình để khách tham quan chụp ảnh lưu niệm trong làng hoa.

Về du lịch cộng đồng, homestay, có sự phát triển đột phá. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng mới, với kinh phí đầu tư từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của một lượng lớn du khách, tạo sự phong phú, hấp dẫn sản phẩm và thương hiệu cũng như sự lan tỏa của du lịch tỉnh. Nổi bật như: 10 điểm tham quan du lịch vườn quýt hồng, vườn thanh long ở Lai Vung, du lịch homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Ngôi nhà tre Phong - Levent, cơ sở hoa kiểng Hùng Thy và khu vui chơi Happy Land - Hùng Thy (Sa Đéc) với nhiều dịch vụ, trò chơi mới lạ.

Với những bước đi đột phá, giờ đây hình ảnh du lịch Đồng Tháp “Thuần khiết như hồn sen” đã được cải thiện rõ rệt, khẳng định vị thế của tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, thu hút nhà đầu tư và khách du lịch ngày càng nhiều.

Năm 2017, du lịch Đồng Tháp đón, phục vụ 3,3 triệu lượt khách, đạt doanh thu 650 tỷ đồng, so với trước khi ban hành Đề án (năm 2014) tăng 178% về lượt khách và tăng 204% về doanh thu. So với mục tiêu của Đề án đến năm 2020 (đạt 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 900 - 1000 tỷ đồng) đạt 94,28% về lượt khách và 72,22% về doanh thu. Năm 2018, Du lịch Đồng Tháp dự đoán cán mốc 3,5 triệu lượt khách và doanh thu đạt 780 tỷ đồng.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn