Huyện Châu Thành

Đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 10/11/2018 16:23:42

ĐTO - Nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề trong khâu sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, huyện Châu Thành luôn chú trọng, đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp (DN). Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa và tăng giá trị kinh tế cho nông dân địa phương.


Huyện Châu Thành tiếp tục chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất tập trung gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ

Theo UBND huyện Châu Thành, tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), huyện đã và đang tích cực triển khai quảng bá các ngành hàng chủ lực gắn với việc khuyến khích nông dân sản xuất kết hợp với khai thác du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), liên kết sản xuất, tiêu thụ trong thực hiện TCCNN gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện... Qua đó, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tăng theo hướng tích cực, các loại cây trồng chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.

Xác định mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đã xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực thông qua các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào hoạt động sản xuất bằng hình thức liên kết với nông dân. Điều này góp phần giúp địa phương khai thác hiệu quả thế mạnh những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng.

Từ những hoạt động thiết thực, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã có một số đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty Đồng Tháp Mười liên kết tiêu thụ với nông dân trên địa bàn huyện thu mua lúa cho nông dân (xã Tân Phú và Tân Phú Trung) giống lúa Đài Thơm 8; Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hưng (xã Hòa Tân) ký hợp đồng liên kết bao tiêu lúa cho nông dân ở các xã trong huyện trồng lúa Đài Thơm 8 với diện tích 96ha; HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận ký hợp đồng liên kết bán cho DN thu mua với sản lượng 800 tấn/năm; HTX Nông sản an toàn An Hòa liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh, bình quân cung cấp khoảng 50 tấn nhãn/tháng; HTX Thanh long Hội quán liên kết với Công ty TNHH Thạch Võ tiêu thụ khoảng 300 tấn nhãn/năm...

Từ mối liên kết giữa nông dân với DN đã tạo ra bước đột phá quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Điển hình là tại xã An Phú Thuận, nơi có nhiều lợi thế phát triển lúa, nhưng trước đó hầu hết diện tích canh tác vẫn mang tính nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả thường dao động thất thường. Thành lập từ năm 2013, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (xã An Phú Thuận) mang lại hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn xã.


Hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao giá trị cây nhãn Châu Thành

Theo đó, trước mỗi vụ lúa, Ban Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận luôn chủ động tìm kiếm để ký kết hợp đồng với các DN bao tiêu đầu ra cho các hộ xã viên. Từ việc chủ động tìm được đầu ra, mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 800 tấn lúa cho DN trong và ngoài tỉnh.

Ông Đồng Văn Hùng - thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận chia sẻ: “Tham gia vào HTX, sản phẩm sau khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ với giá bán bằng hoặc cao hơn giá thị trường, chúng tôi không còn phải lo lắng “đầu ra” nông sản như trước đây. Ngoài ra, HTX cũng hỗ trợ xã viên trong việc áp dụng thực hiện mô hình thử nghiệm sử dụng phân bón thông minh và máy cấy lúa tự động để ổn định sản xuất”. Theo ông Nguyễn Văn Mười - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận, tham gia HTX, các thành viên được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa, đồng loạt xuống giống, giảm chi phí trong sản xuất.

Tương tự, THT Sản xuất lúa và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hưng (xã Hòa Tân) được thành lập từ giữa năm 2016. Đây là tổ chức tập hợp các thành viên có cùng chí hướng, chung tay xây dựng thương hiệu gạo an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Phước - thành viên THT Sản xuất lúa và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hưng chia sẻ: “Khi tham gia vào THT, các thành viên được sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học cho năng suất cao và chi phí đầu vào giảm, hơn nữa còn góp phần bảo vệ môi trường”.

Ông Huỳnh Tấn Lộc - Tổ phó THT Sản xuất lúa và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hưng cho biết: “Có thể thấy, thời gian qua, sự chủ động của lãnh đạo địa phương trong việc kết nối DN với nông dân đã giúp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân”.

Để thực hiện mục tiêu liên kết trong sản xuất bền vững, ông Võ Khoa Cường - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho rằng, thông qua các hình thức liên kết tiêu thụ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đi vào ổn định. Nhiều diện tích canh tác kém hiệu quả được khôi phục và từng bước hình thành vùng chuyên canh rộng lớn, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào và tránh được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất tập trung gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung nghiên cứu thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững; đồng thời phối hợp với các viện, trường nghiên cứu thực hiện các đề tài sản xuất theo hướng áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn