Người thổi hồn vào... rơm

Cập nhật ngày: 14/11/2019 05:11:43

Rơm rạ được xem là phế phẩm sau những vụ sản xuất lúa của nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Ấy vậy mà từ những sợi rơm khô vô tri, vô giác, chàng thanh niên vùng quê biên giới Hồng Ngự lại thổi hồn cho rơm thành những tác phẩm nghệ thuật. Qua gần 2 năm miệt mài sáng tạo, sản phẩm tranh rơm của anh đã được người tiêu dùng gần xa đón nhận.


Anh Linh và các tác phẩm nghệ thuật làm từ rơm

Như có nợ với cây lúa, sợi rơm quê nhà, anh Đặng Vũ Linh - một thầy giáo sinh năm 1983 ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị của loại phế phẩm này. Và câu chuyện về những bức tranh rơm độc đáo do anh mài mò, sáng tạo ra được bắt đầu từ đấy. Anh Đặng Vũ Linh chia sẻ: “Tôi muốn kể cho mọi người một câu chuyện mới về cọng rơm. Ngoài công dụng làm thức ăn cho gia súc, phân bón, ủ nấm, cọng rơm cũng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Cọng rơm thường có 3 màu chính. Màu trắng sẽ làm cho bức tranh sáng hơn, màu nâu tối dùng ở những mảng tối và màu vàng là điểm nhấn cho bức tranh trở nên sinh động. Nguồn rơm thì không sợ hết vì là huyện nông nghiệp nên có ở mọi nơi”.

Với chuyên ngành sư phạm Mỹ thuật được trau dồi ở trường đại học đã hỗ trợ đắc lực cho anh trong quá trình sáng tạo. Mỗi tác phẩm được anh Linh chăm chút tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu rơm, phối màu cho đến thiết kế hình ảnh. Đặc biệt với một nguyên liệu dễ phân hủy như rơm, chính anh cũng phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra bí quyết giữ độ bền cho sản phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh của mình. Anh Linh cho biết thêm: “Nhiều người nói là làm rơm sẽ dễ mục, bị mối mọt nhưng khi làm, tôi đã xử lý với chất chống mối mọt trước, đem phơi khô và cuối cùng là tuyển lựa từng cọng rơm. Khi hoàn thành sẽ xịt một lớp sơn bóng để tạo thẩm mỹ cho tranh, giữ được màu của rơm và mối mọt không xâm nhập được”.

Để đa dạng hóa chất liệu cũng như sản phẩm làm ra, anh Đặng Vũ Linh đã bổ sung thêm sợi lát để hỗ trợ cho tác phẩm ở những điểm cần khối màu lớn và thiết kế thêm những chậu hoa từ rơm, lát thay vì chỉ làm tranh như trước đây. Riêng dòng tranh về chân dung hay tạo hình con vật từ rơm đang được anh tiếp tục nghiên cứu để cho ra thị trường trong thời gian tới.

Hiện sản phẩm tranh rơm, hoa rơm của anh Linh được tiêu thụ ở các nơi trong và ngoài tỉnh, với kênh quảng bá chủ yếu là trang mạng xã hội. Đến với cuộc thi Dự án khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2019, anh Đặng Vũ Linh muốn đem đến cho mọi người một sản phẩm sáng tạo hoàn toàn mới mang nét đặc trưng riêng của vùng quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Thông qua đây, anh cũng mong muốn được các ngành chức năng kết nối để quảng bá sản phẩm ở các tour, điểm du lịch và tham gia các phiên hội chợ thương mại, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn