Ngành giáo dục Đồng Tháp:

Bảo đảm tốt các điều kiện cho kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Cập nhật ngày: 22/06/2018 10:29:24

ĐTO -  Ngày 24/6, học sinh (HS) lớp 12 sẽ bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Thời điểm này, toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã thực hiện nghiêm túc, tích cực các khâu chuẩn bị cho kỳ thi. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp xoay quanh công tác này.


Bảo đảm tốt các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia
(H.Nghĩa - Ảnh Tư liệu)

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia?

Ông Trần Thanh Liêm: Đến thời điểm này, ngành giáo dục Đồng Tháp đã bảo đảm tốt các điều kiện cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, tỉnh Đồng Tháp có 14.406 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, được bố trí tại 31 điểm thi với 619 phòng thi. Huy động 2.034 cán bộ, giáo viên (CB,GV), giảng viên và các lực lượng bảo vệ, y tế, phục vụ làm nhiệm vụ coi thi, trong đó có 650 CB,GV của các trường đại học.

Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 của tỉnh và các văn bản về tổ chức kỳ thi nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trường học trong công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi.

Tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác thi THPT Quốc gia năm 2018 để phổ biến quy chế thi, triển khai công tác chuẩn bị kỳ thi đối với lãnh đạo các đơn vị, trường học; tổ chức hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm thi cho các CB,GV của các đơn vị được giao nhiệm vụ thu nhận hồ sơ và nhập dữ liệu thi của đơn vị, tổ chức kiểm tra chéo thông tin TS và bố trí nhân sự làm công tác thi đảm bảo theo quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

 Các cơ sở giáo dục có HS dự thi xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS một cách phù hợp, chú trọng rèn kỹ năng làm bài cho HS. Đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan (Công an, Y tế, Điện lực, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Đoàn Thanh niên...) và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo cho việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế: đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau kỳ thi; đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho TS trong kỳ thi; chú ý quan tâm hỗ trợ các TS vùng sâu, biên giới, TS có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Xây dựng phương án dự phòng để ứng phó với các tình huống bất thường của thời tiết để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho TS tham dự kỳ thi.

PV: Thưa ông, công tác phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Trường Đại học Đồng Tháp, Đại học Lao động Xã hội cơ sở II và Đại học Công nghệ Đồng Nai trong việc bố trí lực lượng CB,GV tham gia kỳ thi được thực hiện như thế nào?

Ông Trần Thanh Liêm: Sở GD&ĐT đã chủ động trao đổi, bàn bạc với lãnh đạo các trường đại học được Bộ GD&ĐT phân công phối hợp tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh (Trường Đại học Đồng Tháp, Đại học Lao động Xã hội cơ sở II và Đại học Công nghệ Đồng Nai) trong việc tổ chức kỳ thi, cụ thể:

 Bố trí giảng viên, cán bộ của các trường đại học làm nhiệm vụ ở các điểm thi theo đúng quy chế thi. Cử lãnh đạo Sở, lãnh đạo Phòng Khảo thí đến các trường đại học triển khai những điểm cần lưu ý trong công tác coi thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Đồng Tháp.

Bố trí xe đưa đón cán bộ, giảng viên các trường đại học đến các địa phương làm nhiệm vụ (ngày 23/6/2018) và đưa về đơn vị sau khi kết thúc coi thi (ngày 27/6/2018).

Chỉ đạo các trường THPT nơi đặt điểm thi hỗ trợ nơi ăn, nghỉ, phương tiện di chuyển trong các ngày làm nhiệm vụ...

PV: Ngành GD&ĐT có giải pháp gì để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế?

Ông Trần Thanh Liêm: Xác định được tầm quan trọng của kỳ thi THPT Quốc gia, để đảm bảo kỳ thi năm 2018 trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Sở GD&ĐT đã thực hiện các biện pháp:

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi các điểm mới của kỳ thi năm 2018, công tác tổ chức kỳ thi của tỉnh đến HS, cha mẹ các em và nhân dân.

Thực hiện chu đáo các khâu của công tác chuẩn bị (bố trí cơ sở vật chất các điểm thi; bố trí nhân sự; tập huấn nghiệp vụ thi; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hồ sơ dự thi, tổ chức ôn tập hệ thống hóa kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài cho HS; phối hợp với các ngành và địa phương triển khai các công việc phục vụ, bảo vệ...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước và trong kỳ thi (kể cả coi thi và chấm thi).

Dự báo và lên phương án phối hợp với các ngành và địa phương xử lý các vấn đề có thể phát sinh trong việc tổ chức thi (ảnh hưởng của thời tiết; các sự cố có thể xảy ra...

PV: Thưa ông, bên cạnh việc trang bị những kiến thức cần thiết, TS cần lưu ý những vấn đề gì trước và trong khi thi?

Ông Trần Thanh Liêm: Đối với TS, việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức là cần thiết để đảm bảo các em làm được bài thi.

Bên cạnh đó, các em cần lưu ý thêm một số nội dung sau: giữ gìn sức khỏe, tránh việc ôn tập kiến thức quá dày, ảnh hưởng đến sức khỏe trong những ngày thi.

Đến điểm thi làm thủ tục và nghe sinh hoạt quy chế thi vào chiều ngày 24/6/2018 để tránh sai sót, vi phạm không đáng có trong kỳ thi.

Không để sai sót về kỹ thuật khi làm bài thi trắc nghiệm (tô đúng số báo danh, mã đề thi, phần trả lời các câu hỏi, không gấp phiếu trả lời trắc nghiệm, làm phiếu biến dạng...)

PV: Đối với các TS có hoàn cảnh khó khăn, ngành sẽ có những hỗ trợ gì thưa ông?

Ông Trần Thanh Liêm: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường hỗ trợ những HS có hoàn cảnh khó khăn trong điều kiện cụ thể của đơn vị: tăng cường phụ đạo kiến thức; đối với HS phải di chuyển, hỗ trợ các em phương tiện đi lại, bố trí nơi ăn nghỉ trong thời gian thi.

Bên cạnh đó, các đội hình thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” của Đoàn Thanh niên cũng sẽ có các hoạt động hỗ trợ tất cả TS dự thi.

PV: Xin cảm ơn ông!

KIM NGÂN (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn