Bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên ngoại ngữ

Cập nhật ngày: 03/09/2014 05:23:07

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT), để đứng lớp, giáo viên ngoại ngữ giảng dạy cấp tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) phải đạt trình độ B2 ; giáo viên trung học phổ thông (THPT) phải đạt trình độ C1 theo Khung năng lực ngoại ngữ. Nếu học để lấy bằng cấp, hay chỉ để có bằng B2, hay C1 ngoại ngữ là chuyện rất bình thường, nhưng học để lấy bằng theo đúng khung năng lực Châu Âu là việc cực kỳ khó đối với các thầy, cô giáo.


Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh liên kết với
Trường Đại học Cần Thơ trong công tác đào tạo ngoại ngữ từ năm 2012
 (ảnh tư liệu)

Năm 2012, khảo sát 1.187 giáo viên ở 3 cấp học TH, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; kết quả, cấp TH không có giáo viên nào đạt chuẩn B2, THCS có 4 giáo viên đạt chuẩn B2, THPT có 12 giáo viên đạt chuẩn C1. Về kỹ năng, 3 kỹ năng yếu nhất của giáo viên ngoại ngữ là nghe, nói, viết...

Sau khảo sát, Sở GD& ĐT triển khai chương trình đạo tạo ngoại ngữ theo khung năng lực cho giáo viên. Các đơn vị như Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm AMA, Trung tâm SEAMEO đã hỗ trợ Đồng Tháp đào tạo giáo viên ngoại ngữ. Một số giáo viên có khả năng ngoại ngữ tốt được cử đi học tại Malaysia. Tính đến cuối năm 2013, có 819 giáo viên tham gia bồi dưỡng, 184 giáo viên đạt trình độ B1, 87 giáo viên đạt trình độ B2, 14 giáo viên đạt trình độ C1. Hiện nay, các giáo viên tiếp tục tham gia các lớp bồi dưỡng để tham gia khảo sát theo quy định của ngành.

Ngoại ngữ đòi hỏi kỹ năng kết hợp nghe, nói, đọc, viết, cần được rèn luyện, trau dồi thường xuyên, vận dụng thực tế. Vì nhiều lý do khách quan, chủ quan đa số các giáo viên đều thiếu các kỹ năng này, có người thiếu nhiều, có người thiếu ít. Một số giáo viên giảng dạy ở các huyện như Tân Hồng, Hồng Ngự, Châu Thành, Tháp Mười trong cuộc họp trực tuyến về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nêu nguyên nhân giáo viên yếu ngoại ngữ một phần do cơ sở vật chất thiếu thốn, ngoài giờ lên lớp muốn học tập thêm hoặc trau đổi tiếng Anh với các đồng nghiệp khác cũng khó thực hiện. Theo một số giáo viên thời gian học tập nâng chuẩn chỉ 4 tháng là quá ngắn, chưa đủ để rèn các kỹ năng, nên mong muốn có thêm thời gian học tập.

Ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD& ĐT cho biết: “Quan điểm của Sở là thực hiện bồi dưỡng ngoại ngữ cho giáo viên theo lộ trình, từng bước. Dù khó khăn cũng phải thực hiện, vì trong tương lai ngoại ngữ là tấm vé thông hành. ở sẽ tạo mọi điều kiện để giáo viên yên tâm học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực. Đối với giáo viên chưa đạt, phải nỗ lực hơn nữa, ngoài học với giáo viên, sắp tới sẽ có ngân hàng câu hỏi, câu lạc bộ nói tiếng Anh để giáo viên tham gia trau dồi các kỹ năng; đồng thời sẽ khảo sát lại và chọn 10 giáo viên đạt chuẩn C1 đưa đi nước ngoài đào tạo để tạo nguồn giáo viên ngoại ngữ sau này...”.

Năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020. Cùng với kế hoạch này, Đề án ngoại ngữ quốc gia cũng được Sở GD& ĐT triển khai thực hiện với hàng loạt các hạng mục, nội dung đầu tư về cơ sở vật chất, thí điểm dạy ngoại ngữ cấp tiểu học, tiếng Anh lớp 6, tiếng Anh lớp 10 đối với học sinh tại các địa phương. Để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, hơn ai hết thầy cô giáo là những người giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình phương pháp học tập, hướng dẫn kỹ năng. Vì vậy, nỗ lực đạt chuẩn là việc làm khó, nhưng qua đó khẳng định trình độ kiến thức của thầy, cô giáo trong quá trình giảng dạy môn học này.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn