Đầu tư lĩnh vực giáo dục và đào tạo từ nguồn vốn xổ số kiến thiết

Cập nhật ngày: 11/12/2017 10:06:59

ĐTO - Năm 2016-2017, từ nguồn vốn xổ số kiến thiết, tỉnh đã thực hiện các Dự án (DA) gồm Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016-2020; mua sắm các thiết bị mầm non (MN) thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn; mua sắm thiết bị ngoại ngữ các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; trang bị bàn ghế học sinh... Nguồn vốn hỗ trợ kịp thời cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong hoạt động nâng cao chất lượng GD&ĐT theo đúng lộ trình.


Nguồn vốn xổ số kiến thiết góp phần hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học

Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện Kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục. Đối với cấp MN, mẫu giáo (MG), trong năm học, tỉnh đã đầu tư xây dựng 185 phòng học, 304 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ (nhà vệ sinh, nhà xe giáo viên, sân - đường...) cho 35 điểm trường MN, tổng kinh phí 195,550 tỷ đồng (trong đó khởi công mới năm 2017 là 70 phòng học, 116 phòng chức năng, vốn bố trí 78 tỷ đồng); đã đưa vào sử dụng 78 phòng học, 143 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ.

Trong năm 2016, tỉnh đã mua sắm trang thiết bị, đồ dùng tối thiểu, đồ dùng nhà bếp, đồ chơi ngoài trời, công nghệ thông tin... góp phần tạo sân chơi, chăm sóc trẻ được tốt hơn, tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, tăng số trường đạt chuẩn Quốc gia từ 7 trường lên 9 trường vào thời điểm tháng 5/2017; nâng tỷ lệ phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%. Ưu tiên cho các địa phương còn khó khăn, tại huyện Tân Hồng, tiến độ xây dựng cơ sở vật chất được tiếp tục đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa trường lớp, đảm bảo cơ bản cho việc dạy và học. Đầu tư mua sắm trang thiết bị và trang bị thư viện đạt chuẩn, từng bước nâng cao chất lượng của các trường.

Huyện Tân Hồng đã đầu tư sửa chữa các điểm trường gồm: trường MN 1/6, MG An Phước (điểm chính và điểm An Lộc), Tiểu học (TH) Dinh Bà và TH Thông Bình 2. Đầu tư sửa chữa các điểm trường xuống cấp nặng gồm Trường TH Tân Phước 3 (điểm Dân Lập), TH Tân Công Chí 2 (điểm Bắc Trang), TH An Phước 2, THCS Nguyễn Văn Trỗi, MG Tân Công Chí và MG Tân Thành A. Đầu tư trang thiết bị đồ dùng đồ chơi theo Thông tư 02 đạt chuẩn Quốc gia gồm Trường MN 1/6 ở mức độ 2 và các trường MG An Phước, MN Tân Công Chí, MG Tân Thành B ở mức độ 1; đầu tư trang bị thư viện chuẩn và phòng nghệ thuật tại Trường TH Thông Bình 2 và THCS Nguyễn Quang Diêu;... Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống trường lớp, đảm bảo tăng cường hoạt động giáo dục, tạo thuận lợi cho điểm trường tại huyện Tân Hồng nâng cao chất lượng và các hoạt động giáo dục.


Học sinh trong giờ học thể dục

Đối với cấp THPT, tỉnh đã đầu tư xây dựng 123 phòng học, 124 phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ (nhà vệ sinh, nhà xe giáo viên, sân - đường...) tại 12 trường THCS, THPT gồm các phòng học, phòng chức năng, cùng các hạng mục phụ trợ phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập của học sinh. Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu tiếp tục được đầu tư xây dựng, phục vụ cho nhu cầu giảng dạy theo hướng chất lượng cao. Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin ngành GD&ĐT cũng được thực hiện qua việc bổ sung gần 400 máy tính thực hành cho 25 trường THPT trong tỉnh.

Theo Sở GD&ĐT, quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học ổn định, tiếp tục được củng cố, phát triển hợp lý đáp ứng tốt nhu cầu học tập. Những địa phương vùng sâu, vùng xa được ưu tiên đầu tư các hạng mục. Chất lượng giáo dục toàn diện có chuyển biến tích cực; kết quả phổ cập giáo dục MN, TH và THCS tại các địa phương trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 và 3 được duy trì vững chắc, tăng hơn năm trước. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, trường học đạt chuẩn Quốc gia được quan tâm, đầu tư; tỷ lệ phòng học kiên cố và trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh.

Cũng theo Sở GD&ĐT, tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp theo lộ trình, ngành sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục MN, phổ thông trên địa bàn theo hướng cụm trường, liên trường, các điểm trường chính, điểm trường lẻ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục, khắc phục tình trạng mạng lưới trường lớp manh mún ở một số địa bàn trong tỉnh, ưu tiên ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng trường, lớp đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn