Đầu tư phát triển hệ thống thư viện trong các trường phổ thông

Cập nhật ngày: 17/12/2020 05:51:35

ĐTO - Hiện nay, hệ thống thư viện (TV) trường phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực không chỉ đầu tư cơ sở vật chất theo quy định mà hệ thống phòng đọc hiện đại, các nguồn sách, nghiệp vụ nhân viên cũng được đảm bảo. Qua đó, góp phần thu hút cán bộ quản lý, giáo viên (GV), học sinh (HS) đến với TV nghiên cứu, tích lũy kiến thức cần thiết phục vụ cho việc dạy và học tập.


Học sinh Tiểu học tham gia đọc sách tại thư viện lưu động của trường

Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thành phố đã quan tâm, tạo mọi điều kiện hoàn thiện hệ thống TV đạt các danh hiệu chuẩn, tiên tiến, xuất sắc như các huyện: Hồng Ngự, Tháp Mười, Cao Lãnh, TP.Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh... Tại huyện Tháp Mười, Phòng GD&ĐT khuyến khích các đơn vị trường xây dựng TV trường học, khuyến khích HS, GV tham gia phong trào đọc, nghiên cứu tài liệu, các loại sách; xây dựng các mô hình phù hợp với tình hình thực tế. Tại Trường THCS Hưng Thạnh, Ban giám hiệu nhà trường cùng với phụ huynh HS vận động từ nhiều nguồn lực đóng góp xây dựng các tủ sách đặt tại các lớp học để các em HS tiếp cận trong giờ ra chơi hoặc các buổi ngoại khóa... Đầu năm học, nhà trường thành lập Tổ cộng tác viên TV, mỗi lớp có 4 thành viên là Ban cán sự lớp có nhiệm vụ vận động tất cả HS trong lớp cùng đọc, cùng bảo quản... Các em HS nếu thích có thể mượn sách về nhà đọc thông qua danh sách HS mượn sách mà TV đã trang bị cho từng lớp. GV chủ nhiệm khuyến khích, nhắc nhở các em duy trì thói quen đọc sách, cùng bảo quản tủ sách của lớp, tham gia đầy đủ các phong trào của TV trường tổ chức... Với sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh HS, GV chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, năm học 2019 – 2020 có 13 tủ sách được trang bị cho 7 phòng học, đạt 100%, hơn 700 quyển sách truyện, tham khảo các loại. Năm học 2020 – 2021, TV trường tổ chức thành công cuộc thi trang trí thư viện góc lớp và quyên góp sách với số sách quyên góp hơn 600 quyển. Các hoạt động trên đã góp phần tăng tỷ lệ HS đọc sách của toàn trường đạt trên 95%.

Theo Sở GD&ĐT việc xây dựng hệ thống TV trường phổ thông tỉnh Đồng Tháp đã mang lại hiệu quả tích cực, hệ thống TV trở thành nơi nghiên cứu, học tập, giải trí cho GV, HS, nhân viên, người lao động nhà trường. Toàn tỉnh hiện có 644 cơ sở giáo dục, với 451 TV trường phổ thông, 2 TV của Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 1 TV Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật và 190 “Góc TV của bé” trong các trường mầm non. Với sự cố gắng của toàn ngành, có 366 TV trường đạt các danh hiệu chuẩn, tiên tiến, xuất sắc.

Thực hiện công tác quản lý, điều hành các hoạt động TV, hiện có 453 nhân viên gồm nhân viên chuyên trách, kiêm nhiệm công tác TV, tất cả nhân viên được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về TV. Nhiều đơn vị trường, nhân viên TV không chỉ tạo điều kiện tốt cho việc phục vụ nhu cầu đọc sách của GV và HS mà còn bố trí, trưng bày các loại sách, tạp chí, báo vào các dịp lễ lớn, lễ kỷ niệm nhằm góp phần giáo dục truyền thống, giúp HS có các kiến thức chuyên sâu ngoài sách giáo khoa và chương trình học. Mỗi năm học, Sở GD&ĐT tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhân viên TV trường phổ thông trong tỉnh; đồng thời tổ chức hội thảo công tác TV trường phổ thông, hội thảo nhân rộng mô hình Tủ sách phụ huynh tại các trường. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, các chuẩn nghiệp vụ TV, xây dựng hệ thống TV chuẩn và hiện đại hóa, thân thiện với bạn đọc. Hiện tại, có trên 90% trường có hệ thống TV đảm bảo diện tích chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng... Toàn ngành GD&ĐT đã thiết kế lại mô hình TV thành TV mở, TV xanh tỷ lệ đạt trên 40%; trên 60% đơn vị trường Tiểu học, THCS có Tủ sách phụ huynh, với hơn 3.000 tủ sách, hơn 87.000 bản. Các nguồn sách phục vụ nhu cầu giáo viên, HS rất phong phú, đa dạng từ sách giáo khoa đến các loại sách, báo, tạp chí.

Sở GD&ĐT phối hợp với TV tỉnh tổ chức các hoạt động sinh hoạt như: “Ngày sách Việt Nam”; chuyến xe “Thư viện thông minh lưu động”, xe “Ánh sáng tri thức” của TV tỉnh đến các đơn vị trường còn khó khăn. Ngoài ra, mô hình “ROOM TO READ” triển khai tại 26 trường Tiểu học; phối hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh huy động các nguồn lực trong xã hội đóng góp sách, tủ sách vận động các nhà tài trợ hơn 120 Tủ sách khuyến học cho các trường phổ thông, Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng...

Với những kết quả về phát triển văn hóa đọc, thói quen nghiên cứu, cập nhật kiến thức từ đối tượng cán bộ quản lý, GV, HS, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục đổi mới việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức các hoạt động TV, duy trì, nhân rộng các mô hình TV hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác xã hội hóa, vận động phụ huynh HS cùng tham gia vào việc tăng chất lượng, số lượng các đầu sách. Thực hiện tốt các hoạt động trao đổi sách, giới thiệu sách mới giữa các lớp, các khối lớp, các điểm trường thu hút HS. Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng các ngành tổ chức các hoạt động TV với nhiều nội dung, hình thức, phong phú, đa dạng...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn